Nông dân gặp khó với vụ trái cây Tết
Thời điểm này các nhà vườn trên địa bàn tỉnh đang “chạy nước rút” để chuẩn bị vụ trái cây cho thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Tuy nhiên, năm nay do mưa nhiều, lại chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9 hồi cuối tháng 11-2018 nên dự báo năng suất, chất lượng trái cây giảm mạnh.
Do bị ngập trong mùa mưa, vườn cam của ông Nguyễn Thành Danh (ấp Tân Rú, xã Xuyên Mộc) hư hỏng gần hết. |
Ông Trần Văn Trọng (ấp Phước Thới, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) có vườn mãng cầu rộng 4.000m2. Chuẩn bị cho vụ Tết, từ đầu tháng 8 âm lịch, ông cắt tỉa cành, ngừng tưới nước kích hoa. Tuy nhiên, năm nay, đúng thời điểm ngưng tưới thì trời thường xuyên đổ mưa. Thêm vào đó, thời gian qua, sương muối xuất hiện nhiều, làm mãng cầu khó ra hoa. Ông Trọng cho biết: “Mãng cầu rất nhạy cảm với thời tiết, mưa nhiều sẽ khiến cây dễ mắc bệnh rệp sáp làm hư trái. Những năm thời tiết thuận lợi, cứ khoảng 10-15 ngày, tôi mới phun thuốc, bón phân một lần. Tuy nhiên năm nay, việc này phải làm hàng tuần để bảo đảm cho cây phát triển, kéo theo đó chi phí cũng tăng lên đáng kể”.
Giống với mãng cầu, bà con trồng cam, quýt phục vụ thị trường Tết cũng đang gặp khó khăn do thời tiết xấu. Ông Nguyễn Thành Danh, ấp Tân Rú, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc đang trồng 3.500 gốc cam trên diện tích khoảng 2,5ha. Dịp Tết năm ngoái, vườn của ông cho thu hoạch khoảng 50 tấn cam sành, với giá khoảng 20 ngàn đồng/kg, ông Danh lãi hơn 500 triệu đồng. “Tuy nhiên, năm nay mưa nhiều, có đợt vườn cam của tôi ngập úng đến 1 tuần nên cây yếu, trái bị hư hại gần hết, năng suất chỉ bằng 50% thông thường. Chi phí sản xuất cũng tăng lên do phải phun thuốc bảo vệ thực vật mỗi tuần một lần, thay vì 10-12 ngày lần như trước đây. Theo tính toán, vụ cam này tôi có thể thua lỗ khoảng 100 triệu đồng”.
Do ảnh hưởng bão số 9, nhiều diện tích trồng dưa hấu của nông dân có nguy cơ trễ vụ. Trong ảnh: Ông Phạm Văn Quang (khu phố Long Tâm, huyện Long Điền) chăm sóc dưa hấu. |
Theo ông Đặng Minh Loan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, những năm gần đây, thời tiết diễn biến không thuận lợi, tỷ lệ trái bị hư hại nhiều nên năng suất không cao, thậm chí nhiều hộ mất trắng vì cây chết do bị ngập úng. Ông Loan cho biết: “Vì hiệu quả không cao, nhiều nông dân không còn mặn mà trồng cam, quýt mà chuyển đổi sang trồng nhãn, mít Thái. Do đó, diện tích cam, quýt của xã giảm mạnh, chỉ còn chưa tới 30ha thay vì cả trăm ha như trước đây. Vụ Tết này, toàn xã cung cấp ra thị trường chưa đến 300 tấn cam, quýt các loại”.
Trong khi đó, nông dân trên địa bàn các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9, dưa hấu có nguy cơ trễ vụ Tết. Ông Phạm Văn Quang (khu phố Long Tâm, thị trấn Long Điền) đang trồng 3.000m2 dưa hấu. Theo ông Quang, để dưa kịp ra trái và thu hoạch đúng vào dịp Tết, từ đầu tháng 10 âm lịch nông dân đã phải xuống giống. “Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của bão số 9 nên ruộng của tôi bị mưa ngập, đến khoảng 20 tháng 10 âm lịch mới có thể bắt đầu trồng dưa. Vì vậy tôi đang lo lắng vụ này dưa hấu không kịp bán phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Như vậy giá dưa sẽ không được cao vì đầu năm nhu cầu không lớn như dịp cận Tết”, ông Quang cho hay.
Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện kịp thời các biện pháp phòng bệnh do thời tiết, thường xuyên thăm vườn để có biện pháp phòng trừ kịp thời; đồng thời những vườn cây quá già cỗi cần sớm được thay thế. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 8.000ha cây ăn trái các loại, trong đó khoảng 40% là các loại trái cây phục vụ thị trường Tết. Năm nay, thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh gia tăng nên sản lượng trái cây cung cấp cho thị trường Tết giảm mạnh. Dự báo, do nguồn cung giảm nên giá một số loại trái cây như cam, quýt, bưởi, mãng cầu sẽ tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán.
Bài, ảnh: QUANG VINH