.

Ngư dân khó tiếp cận chính sách từ Nghị định 17

Cập nhật: 17:29, 18/12/2018 (GMT+7)

Mục tiêu của Nghị định 17/2018 là khắc phục những tồn tại của Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, nhằm hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại của các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, sau gần 1 năm có hiệu lực, Nghị định 17 lại đang bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí một số chính sách không phù hợp với thực tế.

Ngư dân trên tàu composite đóng theo Nghị định 67 của anh Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP.Vũng Tàu) chuẩn bị cho chuyến biển mới.
Ngư dân trên tàu composite đóng theo Nghị định 67 của anh Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP.Vũng Tàu) chuẩn bị cho chuyến biển mới.

KHÓ CHO NGƯ DÂN

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, triển khai Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định đóng mới 12 tàu composite. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tàu được phê duyệt tiến hành các thủ tục đóng mới.

Sở dĩ có điều nay, theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh, trước đây, theo Điều 4 - Nghị định 67 quy định, chủ tàu có thể vay vốn tối đa lên đến 95% tổng giá trị đầu tư. Hay nói cách khác, để đóng một con tàu vỏ thép, chủ tàu chỉ cần nộp đối ứng 5% tổng giá trị đầu tư, số tiền còn lại ngân hàng thương mại sẽ giải ngân cho vay, nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo từng năm. Tuy nhiên, với Nghị định 17, chủ tàu phải bỏ ra 100% kinh phí đóng mới tàu cá, sau đó nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ 1 lần với định mức hỗ trợ tối đa không quá 8 tỷ đồng/tàu. Cụ thể, tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.

Thực tế, ngư dân để được hưởng hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Nghị định 17 khó có thể bỏ ra 100% kinh phí đầu tư ban đầu. Ông Thái Đỗ Bình (ngư dân ấp Bình Hòa, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cho biết, quy định ngư dân phải tự ứng vốn ra đóng tàu và nhận hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Nghị định 17 là rất khó. Bởi ngoài số ít hộ có tiền tích lũy, còn lại chủ yếu ngư dân trông cậy vào nguồn vốn vay ngân hàng (có thế chấp). Như với trường hợp của ông, dù đã được UBND tỉnh quyết định được đóng mới tàu composite theo Nghị định 17 nhưng chưa huy động được nguồn tiền để đóng tàu mới.

TUYÊN TRUYỀN ĐỂ NGƯ NGƯ TIẾP CẬN CHÍNH SÁCH

Ông Nguyễn Hữu Thành cho rằng, dù khó cho ngư dân nhưng so với Nghị định 67, việc thực hiện hỗ trợ vốn 1 lần theo Nghị định 17 vẫn có  ưu điểm nổi trội hơn. Bởi sau khi đóng mới tàu và được nhận hỗ trợ, ngư dân sẽ toàn quyền chịu trách nhiệm với hoạt động con tàu. Để triển khai Nghị định 17 được thông suốt, nhất thiết công tác tuyên truyền phải được thực hiện hiệu quả. Theo đó, ngành thủy sản sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương triển khai tuyên truyền sâu rộng nội dung cũng như những chính sách hỗ trợ của Nghị định 17 đến bà con ngư dân. Đồng thời, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân trong quá trình thực hiện các thủ tục, hồ sơ, cũng như việc tiếp cận các chính sách khác. Song song đó, ngành cũng kiến nghị với Trung ương điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp để người dân dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Tàu cá vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 của ngư dân xã Phước Hưng (huyện Long Điền) ra khơi.
Tàu cá vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 của ngư dân xã Phước Hưng (huyện Long Điền) ra khơi.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi, kiểm tra việc trả nợ của các chủ tàu đã vay ở các ngân hàng thương mại để đóng tàu theo Nghị định 67, tổng hợp những vấn đề khó khăn, vướng mắc, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ, kiện toàn tổ, đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá, bởi đây cũng là điều kiện để ngư dân tiếp cận Nghị định 17. Các sở, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân  bảo đảm điều kiện tối ưu nhất khi sản xuất trên các vùng biển xa, hạn chế tai nạn, rủi ro.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

.
.
.