Cuộc sống tươi mới nơi vùng ven rừng phòng hộ Xuyên Mộc: Bài 1- Phát triển toàn diện về nông nghiệp
Chúng tôi trở lại 3 xã vùng ven rừng phòng hộ Xuyên Mộc (Hòa Hiệp, Hòa Hội, Xuyên Mộc) vào một ngày cuối tuần của tháng 12. Khó có thể hình dung sự thay đổi mạnh mẽ nơi đây. 10 năm trước, nếu nói chuyện “đi huyện”, có lẽ nơi mà chúng tôi “ngại” nhất chính là các xã vùng ven này, bởi quá xa xôi với trung tâm. Thế nhưng, hôm nay mọi thứ đã thay đổi. Đường sá tươm tất về tận thôn, ấp. Người dân thoát ly khỏi rừng và vẫn giàu lên rất nhanh với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Trong tương lai không xa, cuộc sống các xã này có thể thay đổi mạnh mẽ hơn nữa nhờ chính sách phát triển kinh tế xã hội của huyện Xuyên Mộc và của tỉnh.
Thu hoạch nhãn tại vườn nhãn của gia đình anh Nguyễn Văn Phúc (ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc). |
Thời gian qua, Xuyên Mộc đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp tại 3 xã Hòa Hiệp, Hòa Hội và Xuyên Mộc. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao cho nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp…Chính sách khuyến nông phù hợp đang tạo những thay đổi chóng vánh cho vùng đất này.
NHIỀU MÔ HÌNH LÀM ĂN HIỆU QUẢ
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, anh Vũ Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp cho biết: Những năm gần đây, nỗ lực vươn lên của người dân và sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, đời sống kinh tế địa phương được nâng lên đáng kể. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao, đem lại cho bà con thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Huân giao nhiệm vụ cho anh Trần Quốc Thảo, Chi hội trưởng chi hội nông dân ấp Phú Thọ dẫn chúng tôi đến tham quan mô hình trồng các loại cây công nghiệp lâu năm của ông Trần Anh Thư, ấp Phú Thọ. Hiện nay, ông Thư đang trồng 2ha tiêu và 3ha điều. “Tôi chọn trồng 2 loại cây là để giảm rủi ro nếu có dịch bệnh hay giá cả của nông sản lên xuống thất thường. Nhờ đó, những năm trước, khi cây điều mắc dịch bệnh, rớt giá hay như năm nay giá hồ tiêu chạm đáy thì thu nhập của gia đình vẫn ổn định, khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, tôi đang tiếp tục trồng xen một số loại cây như nghệ, đu đủ trong vườn để cải tạo đất và tăng thu nhập gia đình”, ông Thư chia sẻ.
Mô hình nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Ngọc Phúc (ấp Nhân Tâm, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc). |
Ngoài trồng trọt, nhiều hộ dân trên địa bàn xã lựa chọn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Ông Ngô Huân Mai, ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp đang nuôi 200 con dê thịt và trồng 2ha điều, 1ha cỏ. Ông Mai cho biết, nuôi dê không tốn nhiều chi phí do có thể tận dụng được thức ăn là cỏ có sẵn tại địa phương. Ông Mai cho biết: “Mỗi năm dê cái sinh 2 lứa được 4 con dê con. Sau 4-5 tháng nuôi thì dê đạt trọng lượng từ 40-50kg. Hiện nay, dê thịt đang được bán với giá 80-90 ngàn đồng/kg, sau khi trừ phí, mỗi năm gia đình tôi có thể thu lãi trên dưới 300 triệu đồng từ nuôi dê”. Hiện nay, ông Mai đã mày mò và nuôi thêm 7 con nai lấy nhung. Mỗi năm, đàn nai của ông cho thu hoạch khoảng 10kg nhung, với giá khoảng 12-13 triệu đồng/kg, ông thu lãi thêm 100 triệu đồng/năm.
CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG
Phần lớn các xã như Hòa Hiệp, Hòa Hội và Xuyên Mộc đều tiếp giáp với rừng phòng hộ. Nếu như những năm trước đây, nhiều hộ dân phát triển kinh tế chủ yếu nhờ vào việc nhận khoán đất rừng thì hiện nay thực hiện chủ trương của tỉnh, họ đã chấp hành việc trả lại đất rừng theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, những năm qua, huyện Xuyên Mộc đã có quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn hợp lý, đưa giống mới vào trồng trọt, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn bà con trồng các loại cây công nghiệp phù hợp trên địa bàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế trang trại nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, kinh tế trang trại được xem là mũi nhọn để đưa nông nghiệp phát triển bền vững, là nơi triển khai các mô hình sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Khu vườn trồng cây ăn trái của gia đình ông Trần Giao Thiệp (ấp Nhân Đức, xã Xuyên Mộc) là một ví dụ. Nhận thấy việc trồng lúa cho năng suất thấp lại tốn nhiều công chăm sóc, ông Thiệp cải tạo 2,5ha đất của gia đình để đào ao nuôi cá và trồng các loại cây ăn trái như: nhãn, thanh long, mận, mít, dừa. Vận dụng cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, ông Thiệp luôn chủ động được nguồn vốn, mỗi năm ông thu về hơn 300 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí. Năm 2017, ông Thiệp là một trong gần 430 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã.
Thu hoạch nhãn tại vườn nhãn của gia đình anh Nguyễn Văn Phúc (ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc). |
Ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, ngoài các địa phương khác của huyện, tại các xã Hòa Hiệp, Hòa Hội và Xuyên Mộc, hạ tầng cơ sở phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn tiếp tục được đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, 100% xã, thị trấn sử dụng mạng lưới điện quốc gia. Cùng với điện, mạng lưới giao thông nông thôn cũng được huyện tập trung xây mới và nâng cấp sửa chữa. Các tuyến đường liên xã, liên huyện trên địa bàn đều được nhựa hóa, 100% các xã, thị trấn có đường ô tô lưu thông đến tận vùng sâu, vùng xa… Hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp được đầu tư xây dựng đồng bộ.
Tuyến đường WB2 nối từ xã Hòa Hội đến xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) đang được tu sửa, xây thêm bờ kè chống sạt lở, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. |
Ông Nguyễn Kim Trinh (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc) cho biết thêm, nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã tạo điều kiện cho nông dân mạnh dạn mở hướng làm ăn. “Chẳng hạn như gia đình tôi trước đây đơn thuần chỉ trồng cam, quýt bán cho thương lái, được chăng hay chớ. Nhưng hiện nay tôi đã kết hợp mô hình trồng trọt với làm du dịch sinh thái. Hơn 1 năm nay, khu vườn 2,5ha trồng quýt, cam và bưởi da xanh thường xuyên đón các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, có thời điểm lên đến hơn 1.000 lượt khách. Nhờ đó, thu nhập tăng lên từ 20-25% so với năm 2015 - thời điểm chỉ bán trái cây cho các thương lái”, ông Trinh nói.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, bên cạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Xuyên Mộc có sự tăng trưởng ổn định. Riêng năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã đạt 225 tỷ đồng, tăng gấp hơn 1,2 lần so với năm 2013. Xã cũng đã hoàn thành 19 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Dự kiến trong năm 2019, xã Xuyên Mộc sẽ tiếp tục mở rộng các tuyến đường trọng yếu, bê tông hóa 7,1km đường giao thông nông thôn, nhựa hóa 22,45km, xây dựng 3 trạm biến áp, đầu tư hạ thế 4,8km, trung thế 1,65km. Ngoài ra, địa phương đang đầu tư lắp đặt 53 tuyến ống nước máy dài 28,5km (đã hoàn thành 50%) để tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch lên hơn 65%.
(Ông Huỳnh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuyên Mộc)
----------------------------------------------------------
Hiện nay, nhiều hộ dân cũng đang có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, do đó chính quyền xã đã và đang xây dựng các HTX sản xuất nông nghiệp như trồng tiêu, nuôi dê… Các tổ chức này giúp nông dân vừa liên kết, hỗ trợ nhau kỹ thuật sản xuất. Bên cạnh đó, khi có HTX, nông dân sẽ dễ dàng tiếp cận được các dự án vay vốn từ Ngân hàng CSXH và Quỹ Hỗ trợ nông dân, từ đó có điều kiện để mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế gia đình.
(Ông Bùi Đức Viễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp)
----------------------------------------------------------
Xã Hòa Hội có diện tích hơn 7.100ha với hơn 3.300 hộ dân sinh sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Đến thời điểm này, địa phương đã đạt 14/19 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Điều đáng mừng nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường học, trạm y tế đã được đầu tư, nâng cấp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao hơn trước rất nhiều. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2017 đã đạt 37,2 triệu đồng/năm.
(Ông Vũ Mạnh Đạt, Chủ tịch UBND xã Hòa Hội)
|
Anh Phạm Văn Tuyển, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Hội nhìn nhận: Các tuyến đường nội đồng được đầu tư xây dựng đã giúp cho việc vận chuyển vật tư, sản phẩm nông nghiệp của người dân được dễ dàng thuận lợi hơn. Xe của thương lái có thể ra tận ruộng để thu mua sản phẩm của người dân. Ngoài ra, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng đã có những bước chuyển biến tích cực, qua đó giúp nông dân kịp thời vụ gieo trồng, giảm chi phí sản xuất... Ngoài khâu làm đất và vận chuyển đã được cơ giới hóa hoàn toàn thì các khâu còn lại như: Cắt gặt, đập tách hạt, làm khô, xay xát và bảo quản, phun thuốc, phòng trừ sâu bệnh cũng tăng hơn trước. Các địa phương cũng đã có định hướng sản xuất, xác định những cây, con chủ lực để đầu tư phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của từng vùng, gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ.
NHÓM PHÓNG VIÊN