Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất thép
Từ cuối tháng 10-2018 đến nay, một số DN sản xuất thép gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu để sản xuất. Nguyên nhân là do các lô hàng phế liệu nhập khẩu (NK) trong thời gian chờ kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng phải được lưu giữ tại cửa khẩu nhập, không cho DN đưa hàng về bảo quản.
Thép phế liệu trong nhà máy sản xuất thép Công ty Possco SS Vina.
|
Sau hơn một tháng thực hiện theo quy định của Thông tư số 08-2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09-2018/TT-BTNMT của Bộ TNMT, nhiều DN sản xuất thép cho biết, do không được mang sắt phế liệu NK về bảo quản nên DN phải “gánh” chi phí lưu tàu trong thời gian chờ kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng phế liệu NK. Cụ thể, DN phải trả từ 10.000 - 15.000 USD/ngày cho một tàu neo đậu. Ông Hiroyuki Iwasa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Vina Kyoei cho biết: Nếu DN chậm dỡ hàng đối với tàu nhỏ trên 5.000 tấn, cứ một ngày không nhận hàng DN bị phạt 5.000 USD, còn tàu trên 10.000 tấn sẽ bị phạt trên 10.000 USD. Hiện Công ty TNHH Thép Vina Kyoei có 5 tàu neo đậu tại cảng với tổng khối lượng sắt thép phế liệu hơn 36 ngàn tấn chưa thông quan.
“Bình quân mỗi ngày, công ty cần 2.200 tấn phế liệu để luyện thép. Tuy nhiên do thiếu nguyên liệu nên từ giữa tháng 11 đến nay, công ty phải ngưng hoạt động luyện thép” – ông Hyroyuki Iwasa cho biết thêm.
Ông Chen Te Hsiu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Tungho Việt Nam cũng xác nhận, đối với Thép Tungho Việt Nam, việc thiếu nguyên liệu đã buộc các nhà máy của công ty phải tạm ngừng hoạt động, gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của DN cũng như việc làm của công nhân.
Theo quy trình, một lô hàng phế liệu NK nếu DN muốn đưa về kho, trước hết phải có biên bản giám định chất lượng lô hàng của các cơ quan chức năng, sau đó mới được bốc dỡ hàng khỏi tàu. Tiếp theo, muốn lấy hàng ra khỏi cảng thì cần phải có thủ tục cho phép nhập hàng của hải quan. Trong khi đó, hàng phế liệu NK muốn được nhập thì phải có chứng thư giám định, xác định tình trạng thực tế của hàng hóa, dịch vụ theo các nội dung giám định. Đây là sự chồng chéo về thủ tục, gây khó khăn cho cả DN và phía cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo Cục Hải quan tỉnh, KCN Phú Mỹ hiện có 8 nhà máy luyện thép và phải nhập hàng trăm ngàn tấn phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất. Ngoài sắt phế liệu NK được đóng trong container, các DN này còn thuê tàu chở từ 20-60 ngàn tấn sắt phế liệu dỡ hàng tại cảng Phú Mỹ. Do sắt phế liệu là hàng rời, chứa bằng chính khoang hàng của tàu, nên việc kiểm định, giám định phải thực hiện trên tàu hoặc tại cảng. Việc không cho mang hàng về bảo quản buộc các DN phải neo tàu hoặc bốc xuống bãi để giải phóng tàu. Khi bốc dỡ hàng nhiều lần sẽ phát sinh chi phí rất lớn. Trong khi đó, các DN cảng cũng không cho tàu neo đậu lâu ngày vì ảnh hưởng đến hoạt động khai thác kinh doanh. Chưa kể là việc dỡ phế liệu xuống bãi đòi hỏi cảng phải có diện tích rất lớn vì phải để riêng theo từng lô hàng, không thể để chồng lên nhau như container. Ngoài ra, các bãi tập kết phế liệu nằm sát bờ sông dễ gây ô nhiễm khi trời mưa xuống.
Ông Lê Văn Thung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: Nhằm tạo điều kiện và giảm thiểu chi phí phát sinh cho DN trong khi chờ kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng, Cục Hải quan tỉnh cũng đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan đề xuất, đối với sắt phế liệu được chở trên tàu dỡ hàng tại cảng Phú Mỹ, trên cơ sở biên bản, giám định và lấy mẫu phế liệu NK và chứng thư giám định bề mặt ban đầu của Tổ chức giám định được Bộ TNMT chỉ định xác định lô hàng sắt thép phế liệu bước đầu phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường, đơn vị giải quyết cho DN mang hàng về bảo quản, trong khi chờ kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng phế liệu NK của Sở TNMT.
Trước những khó khăn trên, mới đây ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với đại diện các công ty sản xuất thép nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động kiểm tra Nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc này, các DN kiến nghị UBND tỉnh cần có giải pháp nhanh chóng giải phóng các tàu hàng tại cảng, giúp DN ổn định sản xuất. Đồng thời, tỉnh cần có kiến nghị với Bộ TNMT để giải quyết những bất cập trong việc thực hiện Thông tư số 08-2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09-2018/TT-BTNMT của Bộ TNMT.
Tại cuộc họp, ông Lê Tuấn Quốc đã đề nghị Sở TNMT phân công, bố trí nhân lực để thực hiện nhiệm vụ trong cả ngày cuối tuần nhằm giúp DN giải phóng hàng tại cảng một cách nhanh nhất, có báo cáo đề xuất UBND tỉnh để phân bố nhân lực trong thời gian tới một cách phù hợp. Để tránh phát sinh chi phí neo đậu tàu tại cảng cho DN, các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp thực hiện việc dỡ hàng nhanh tại cảng cho các DN, có thể xem xét phương án giám định sơ bộ trước, trong quá trình đưa hàng về kho sẽ giám định chi tiết. Hàng hóa sẽ được niêm phong tại kho, DN không được đưa vào sản xuất khi chưa có thông báo kết quả kiểm tra của Sở TNMT.
Bài, ảnh: AN NHẬT