Bãi rác Tóc Tiên có tránh được "vết xe đổ" Phước Cơ?
Cách đây 14 năm, bãi rác Phước Cơ (TP.Vũng Tàu) đã phải đóng cửa vì tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Kết cục của Phước Cơ là điều đã được dự báo trước và cũng là dấu chấm hết cho một vai trò tạm bợ kéo dài hơn chục năm trong vấn đề xử lý rác thải của BR-VT. Sau Phước Cơ, tỉnh có một kế hoạch dài hơi hơn khi đưa vào sử dụng Khu xử lý chất thải tập trung (XLCTTT) Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ). Nhưng phương thức xử lý rác chưa đột phá, việc đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ liệu có đẩy Tóc Tiên đến trước viễn cảnh đi vào “vết xe đổ” của Phước Cơ?
Ô NHIỄM TỪ CHÍNH KHU XỬ LÝ Ô NHIỄM
Những năm gần đây, BR-VT đã xếp Khu XLCTTT Tóc Tiên vào nhóm các điểm có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Điều đặc biệt ở đây chính là nguy cơ ô nhiễm cao lại xuất phát từ chính khu đất quy mô 100ha mà tỉnh quy hoạch để xử lý ô nhiễm cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt phát sinh chất thải trên địa bàn tỉnh như xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, xử lý chất thải nguy hại …
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, người dân xã Tóc Tiên (xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ) phản ảnh về tình trạng ô nhiễm phát sinh từ Khu XLCTTT Tóc Tiên, kiến nghị chính quyền các cấp sớm có giải pháp xử lý. Theo phản ánh của ông Phan Thanh Thành, Hiệu trưởng Trường TH Tóc Tiên, trường nằm cách Khu XLCTTT Tóc Tiên khoảng 700-800m. Hàng ngày, 530 em học sinh cùng 27 giáo viên nhà trường đều phải hít thở không khí có mùi hôi phát sinh từ Khu XLCTTT Tóc Tiên.
Giáo viên, học sinh Trường TH Tóc Tiên bị ảnh hưởng nhiều bởi mùi hôi thối từ Khu XLCTTT Tóc Tiên. |
Theo Công ty Môi trường tỉnh - đơn vị quản lý Khu XLCTTT Tóc Tiên cho biết, Khu XLCTTT Tóc Tiên có quy mô 100ha (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) được xây dựng từ năm 2007. Hiện nay, Khu XLCTTT Tóc Tiên có 14 dự án thứ cấp được UBND tỉnh cấp phép đầu tư trong đó có dự án xử lý rác thải sinh hoạt (sau đây gọi là bãi rác Tóc Tiên) do Công ty TNHH Kbec Vina làm chủ đầu tư. Sau khi bãi chôn lấp 1 (diện tích 5ha) đã đầy, cuối năm 2018, công ty đã đưa vào sử dụng xây dựng bãi chôn lấp 2 (diện tích hơn 7ha). Thống kê của Sở TN-MT tỉnh cho thấy, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 760 tấn chất thải rắn sinh hoạt (sau đây gọi tắt là rác sinh hoạt) chiếm hơn 60% lượng rác thải trên toàn tỉnh đang được xử lý theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh (có tấm lót ngăn thấm nước dưới mặt đất và qua các bước xử lý cơ bản khi tiếp nhận rác) tại bãi chôn lấp của Công ty TNHH Kbec Vina.
Xử lý chất thải tại bãi chôn lấp chất thải của Công ty TNHH Kbec Vina. Ảnh: QUANG VŨ |
Trên cơ sở tính toán khối lượng rác phát sinh, theo dự báo của Viện Quy hoạch môi trường và hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng), từ năm 2018 lượng rác sinh hoạt của BR-VT sẽ tăng lên 10-15%/năm; và đến năm 2025, lượng rác sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh có khả năng lên đến 1.590 tấn/ngày (tăng 829 tấn/ngày so với thời điểm hiện nay). Nếu đúng như dự báo, và nếu vẫn tiếp tục sử dụng phương án chôn lấp trong xử lý rác sinh hoạt thì khả năng Khu XLCTTT Tóc Tiên quá tải, đi vào “vết xe đổ” của bãi rác Phước Cơ 14 năm trước là rất cao.
Việc xử lý rác, nước thải tại Khu XLCTTT Tóc Tiên chưa được bảo đảm làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân cư xung quanh. |
CẦN GIẢI PHÁP BỀN VỮNG
Cách đây 15 năm, công nghệ xử lý chất thải chưa phổ biến, việc chôn lấp rác tạm là giải pháp tình thế. Nhưng về lâu dài, để phát triển bền vững, BR-VT cần phải tính toán đến những giải pháp căn cơ: phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải… để biến rác thải thành tài nguyên. Vì vậy, Sở Xây dựng đang đề xuất UBND tỉnh quy hoạch lại mạng lưới các khu xử lý chất thải rắn (CTR) toàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, việc quản lý CTR (trong đó có chất thải sinh hoạt) là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững; giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải xử lý. Đồng thời, BR-VT đang khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình phân loại rác tại nguồn; có cơ chế hình thành và phát triển các DN thực hiện dịch vụ thu gom, tái chế, đốt và chôn lấp, sản xuất phân compost từ chất thải rắn… nhằm hướng đến một môi trường xanh, trong lành hơn và giảm bớt những nỗi lo từ rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh cho biết, năm 2017, Sở TN-MT đã kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương giao các ngành, địa phương liên quan phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Nghiên cứu Chiến lược Môi trường Toàn cầu (IGES) thực hiện đồng bộ 3 giải pháp BVMT trên địa bàn tỉnh. Giải pháp thứ nhất là cải thiện cơ chế phối hợp về môi trường. Giải pháp thứ hai là nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra cho các cơ quan quản lý của tỉnh. Giải pháp thứ ba là thực hiện đồng bộ 3 biện pháp, bao gồm: giảm lượng rác, tái sử dụng và tái chế rác.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang đầu tư Khu xử lý chất thải rắn tập trung sử dụng công nghệ đốt tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) nhằm giảm áp lực việc chôn lấp rác sinh hoạt cho Công ty TNHH Kbec Vina; tập trung xử lý dứt điểm các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tạm giai đoạn 2017-2019 và chuyển dần sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng các công nghệ tái chế (phân compost) và công nghệ đốt, kết hợp xử lý khí thải và phát điện, đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, việc xử lý rác trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp một số khó khăn một số dự án về xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh triển khai chậm. Ngoài ra, việc chuyển sang công nghệ đốt có chi phí đầu tư rất lớn, chưa thu hút được các nhà đầu tư.
Theo Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 4-6-2018 của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để phòng ngừa, cải thiện khắc phục ô nhiễm tại các “điểm nóng” về môi trường (trong đó có Khu XLCTTT Tóc Tiên) trên địa bàn BR-VT, UBND tỉnh đã giao cho các ngành, địa phương ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như kiểm soát chặt chẽ hoạt động xử lý chất thải; giảm thiểu ô nhiễm gây ra cho khu vực xung quanh; rà soát, đánh giá toàn diện về công tác quy hoạch, quản lý; công nghệ xử lý, công trình bảo vệ môi trường của các nhà máy để có phương án, biện pháp xử lý đồng bộ; yêu cầu các nhà máy xử lý chất thải đầu tư hệ thống quan trắc tự động và truyền số liệu về Trung tâm tiếp nhận của tỉnh để theo dõi, quản lý; đầu tư hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu gom toàn bộ nước thải của các nhà máy về xử lý cũng như đầu tư hệ thống quan trắc tự động. |
Bài, ảnh: TÙNG LÂM - TRIỆU VỸ