Nghị quyết về "Tam nông" làm thay đổi bộ mặt nông thôn
Sáng 27-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP.Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26). Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại đầu cầu tỉnh BR-VT.
Sản xuất rau sạch tại Công ty CP Xây dựng và dịch vụ Âu Cơ, TP.Vũng Tàu. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
10 NĂM 1,17 TRIỆU TỶ ĐỒNG CHO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng lên 26,25%, tỷ trọng giá trị chăn nuôi tăng lên mức 27,2% năm 2017, góp phần đưa tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành nông nghiệp đạt 2,66%, quy mô GDP của cả ngành tăng gấp 1,25 lần năm 2008. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển đổi tích cực. Trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp được đẩy mạnh. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo có chứng chỉ là 13,7%, tăng 5,5% so với năm 2008. Cả nước có 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đã trở thành phong trào sâu rộng. Đến hết tháng 8-2018, trong cả nước, có 33.595 xã và 56 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, một trong những thành tựu quan trọng nhất sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 là nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đã tăng 3,49 lần, lên 32 triệu đồng/năm. Khoảng cách thu nhập thành thị và nông thôn giảm từ 2,1 lần xuống 1,8 lần vào năm 2017. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn. Nhiều HTX hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2017, cả nước có 11.688 HTX nông nghiệp, 1.154 HTX phi nông nghiệp, 1.183 quỹ tín dụng nhân dân với 4,4 triệu thành viên, 1,58 triệu lao động, tổng tài sản 51.168 tỷ đồng. Tổng số ngân sách nhà nước đã đầu tư cho phát triển nông nghiệp và nông thôn là 1,17 triệu tỷ đồng, trong đó, đầu tư phát triển nông thôn 755 ngàn tỷ đồng.
Mô hình trồng bưởi da xanh tại xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống nông dân địa phương. Ảnh: QUANG VŨ
|
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG NÔNG NGHIỆP CỦA BR-VT ĐẠT 4,44%/NĂM
Tại BR-VT, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, tất cả các cơ chế, chính sách đều hướng đến mục đích phát triển nhanh, bền vững kinh tế nông thôn, trong đó quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Trong 8 năm, tổng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu đầu tư để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh là 20.777 tỷ đồng, tăng bình quân 19,99%/năm. Trong đó, tập trung vào các biện pháp giúp đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, phát triển nhanh các nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn…
Nhờ đó, qua gần 10 năm, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều có nhiều khởi sắc. Tăng trưởng nông nghiệp bình quân của tỉnh giai đoạn 2008-2017 là 4,44%/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo chuẩn quốc gia giảm từ 5,31% năm 2008 xuống còn 0,99% năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 44,82 triệu đồng/ người/ năm, tăng gấp 3,42 lần so với năm 2008 và gấp 2,2 lần so với 2010; chênh lệch mức sống khu vực thành thị so với nông thôn năm 2016 là 1,26 lần, giảm mạnh so với 1,72 lần năm 2010.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh, trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn, xây dựng, sửa chữa các công trình thuỷ lợi được xem là đòn bẩy thúc đẩy phát triển sản xuất. Toàn tỉnh đã xây dựng, tu bổ, sửa chữa nhiều công trình kênh mương với tổng chiều dài hơn 315km. Tỷ lệ kênh mương được kiên cố hoá đạt trên trên 75%. Trong đó, một trong những công trình thuỷ lợi đầu mối quan trong nhất trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành vào năm 2011 là hồ Sông Ray. Hồ có diện tích 2.276ha, công suất hữu ích 196 triệu m3, cung cấp nước cho hoạt động công nghiệp và sinh hoạt là 535.000m3/ngày đêm và tưới cho hơn 9.000ha đất nông nghiệp.
Bên cạnh hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng giao thông cũng được quan tâm đầu tư. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, trong những năm qua, đã có hơn 800km đường giao thông nông thôn đã được xây dựng. Nhiều xã nông thôn đã thay đổi hoàn toàn từ khi đường giao thông được đầu tư. Chẳng hạn ở xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức). Trước đây, địa bàn xã chủ yếu là đường đất, nhỏ, hẹp, gây khó khăn lớn cho người dân trong đi lại, giao thương. Từ năm 2014, chính quyền địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để cải thiện hệ thống đường giao thông nông thôn. Đến cuối năm 2015, 100% đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Suối Nghệ (tổng chiều dài 73,5km) đã được nâng cấp đạt chuẩn, trong đó có 3 tuyến đường liên xã (tổng chiều dài 14,1km); 18 tuyến đường liên thôn (tổng chiều dài 24,23km); 24 tuyến nhánh (tổng chiều dài 17,4km)… Bộ mặt nông thôn ở Suối Nghệ đã thay đổi rất nhiều từ đây.
Bên cạnh đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông, thủy lợi, thời gian qua, các chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ phát lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn tiếp tục được quan tâm. Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn từ đầu năm 2018 đến nay ước đạt hơn 18.200 tỷ đồng, tăng 31,88% so với đầu năm, chiếm 28,04% tổng dư nợ toàn địa bàn; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới ước đạt 10.650 tỷ đồng, tăng 19,43% so với đầu năm, chiếm 16,41% tổng dư nợ toàn địa bàn tỉnh. Các ngân hàng đã tạo nhiều thuận lợi cho các cá nhân, hộ gia đình, DN tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi này, nông dân, HTX mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi...
Việt Nam có thể vào top 15 nền nông nghiệp tiên tiến được không? Tại Hội nghị, cho rằng nông nghiệp Việt còn chậm hơn một số nước trong khu vực là đáng suy nghĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu câu hỏi liệu có thể vào tốp 15 nền nông nghiệp tiên tiến thế giới. Chỉ ra một số hạn chế của ngành nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp, số dân làm nông còn quá cao. Cả nước có 48% dân số làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp một phần GDP rất nhỏ. Ngành nông nghiệp cũng chỉ thu hút một lượng vốn khiêm tốn chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Số doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1% trong cả nền kinh tế, chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra rằng việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp còn yếu, giá thành sản phẩm cao, chủ yếu là xuất thô, chưa qua chế biến, chưa đột phá trong nâng cao giá trị gia tăng, chưa hiệu quả. Công tác bảo quản, chế biến còn hạn chế, quy mô nhỏ, hao hụt nhiều. “Thành tích thì chúng ta hoan nghênh, nhưng lạc hậu, chậm hơn nông nghiệp một số nước trong khu vực thì phải suy nghĩ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Về định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần cả hệ thống chính trị vào cuộc phát triển vấn đề tam nông. Thủ tướng nhấn mạnh thế giới đang chuyển mình, châu Á cũng đang cạnh tranh từ bán buôn đến bán lẻ. Việt Nam cần sớm khắc phục các hạn chế yếu kém, áp dụng kỷ nguyên số, đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp, trong đó có các công nghệ như thanh toán điện tử, Internet vạn vật (IoT), viễn thám, máy bay không người lái… “Liệu chúng ta có thể đứng thứ 15 các nước có nền nông nghiệp phát triển được hay không? Cần tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp. Nhận diện thật rõ cơ hội và thách thức để đề ra chiến lược mới là việc rất quan trọng”, Thủ tướng nói. |
QUANG VINH