Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Đức giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030” vừa được UBND tỉnh thông qua, trong những năm tới, sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Châu Đức.
Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Thu (ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) được canh tác theo quy trình sản xuất sạch, đạt sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. Ảnh: TRÚC GIANG |
Nhờ có lợi thế, tiềm năng về đất đai, khí hậu, lực lượng lao động, hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, huyện Châu Đức có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là cây công nghiệp dài ngày như: Hồ tiêu, cà phê, cao su, điều, ca cao… và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn huyện hiện có khoảng 35.204ha đất sản xuất nông nghiệp; giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt đạt từ 85-95 triệu đồng/ha. Trong 3 năm qua (2016-2018), tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,2%/năm.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, với những điều kiện và thực tế sản xuất hiện nay, huyện xác định: Nông nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực của địa phương trong những năm tới. Đặc biệt, việc phát triển nông nghiệp sẽ theo xu hướng chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích đất; duy trì và phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày (cao su, hồ tiêu, ca cao, cà phê), các vùng sản xuất rau xanh. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất cây, con giống; nâng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Đức giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030”, dự báo giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt lên đến 120 triệu đồng/ha. Dự kiến đến năm 2020, trên địa bàn huyện sẽ có khoảng 300ha đất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với giá trị sản phẩm có thể đạt 1,5 tỷ đồng/ha. Đến năm 2025, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt của huyện (bao gồm sản xuất bình thường và công nghệ cao) có thể đạt bình quân 148 triệu đồng/ha.
Trang trại nuôi gà của bà Nguyễn Thị Ngọc Bông (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) áp dụng mô hình chăn nuôi chuồng lạnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TRÚC GIANG |
Đối với chăn nuôi, đến năm 2020, phát triển theo mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi 4 loại gia súc, gia cầm: Bò, dê, heo và gà, với khoảng 70 trang trại. Đến năm 2025, tăng lên 100 trang trại, trong đó về chăn nuôi bò, sẽ có các trang trại quy mô vừa và lớn tại các xã: Đá Bạc, Suối Rao, Sơn Bình, Xuân Sơn, Bình Trung và Quảng Thành; trang trại quy mô nhỏ (bán công nghiệp) tại các xã: Nghĩa Thành, Bình Ba, Suối Nghệ, Bàu Chinh, Kim Long. Về chăn nuôi heo, hình thành các trang trại vừa và lớn theo hình thức công nghiệp tại địa bàn các xã: Xà Bang, Láng Lớn, Bình Giã, Quảng Thành, Bàu Chinh, Bình Trung, Sơn Bình, Xuân Sơn, Đá Bạc, Suối Rao; trang trại quy mô nhỏ ở các xã Kim Long, Bình Ba, Suối Nghệ, Nghĩa Thành và Cù Bị. Về chăn nuôi gia cầm, tập trung phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn ở khắp địa bàn các xã trong huyện (trừ TT. Ngãi Giao tập trung phát triển thương mại-dịch vụ, sản xuất CN-TTCN).
Với định hướng nêu trên, dự kiến đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện đạt 2.120 tỷ đồng; đến năm 2025 đạt 4.136 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2020.
Tại hội nghị thẩm định, thông qua “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Đức giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030”, đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trong quá trình thực hiện quy hoạch, huyện Châu Đức cần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Trong đó, chú trọng và tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp sản xuất hàng hóa phù hợp theo địa bàn khu vực; ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi; thúc đẩy các hoạt động thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với phát triển các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường, tài nguyên trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
PHƯƠNG ANH