.
NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM

Cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng

Cập nhật: 18:20, 27/11/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) đã phát huy được hiệu quả. Nhờ các chương trình này các DN, HTX trong tỉnh có cơ hội quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm an toàn.

GIÚP DN GIỚI THIỆU SẢN PHẨM, PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU

Theo đánh giá của các DN, các chương trình XTTM ngày càng thiết thực, đánh trúng nhu cầu của DN, HTX, tạo cơ hội cho DN trong tỉnh giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước các sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh; học hỏi kinh nghiệm sản xuất để đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển kinh doanh.

Câu chuyện của Công ty TNHH nuôi trồng nấm Hòa Long (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) là một ví dụ. Công ty được thành lập từ năm 2016 chuyên trồng đông trùng hạ thảo nhân tạo. Công ty đã đầu tư hệ thống máy móc, kiểm soát chất lượng từ khâu chọn nguyên liệu đến sản xuất và đưa ra thành phẩm. Công ty đang triển khai xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn HACPP, đăng ký bản quyền logo, kiểm tra hàm lượng sản phẩm, ATTP, chứng nhận hợp quy sản phẩm. Bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH nuôi trồng nấm Hòa Long cho biết, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của công ty đã đạt tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, nhưng do là thương hiệu mới trên thị trường nên sản phẩm chủ yếu được bán cho người quen. Thời gian qua, DN đã chủ động trong việc tìm kiếm thị trường và tham gia giới thiệu sản phẩm tại các chương trình XTTM do Sở Công thương tổ chức. Qua các hội chợ triển lãm, chương trình kết nối, người tiêu dùng biết đến sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của công ty nhiều hơn.

Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại Công ty TNHH nuôi trồng nấm Hòa Long.
Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại Công ty TNHH nuôi trồng nấm Hòa Long.

Còn ông Trần Văn Thuần, chủ cơ sở Thuần Dương (huyện Xuyên Mộc) cho biết, hiện nay, cơ sở có 10ha trồng nghệ, mỗi năm sản xuất được 1,9 tấn tinh bột nghệ. Sản phẩm của cơ sở được cung cấp đến tay người tiêu dùng qua các kênh XTTM, các cửa hàng bán lẻ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. “Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công tỉnh, chúng tôi tham gia nhiều hoạt động XTTM trong và ngoài tỉnh. Đây là cơ hội để chúng tôi đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng các tỉnh bạn. Hoạt động XTTM, kết nối hàng hóa là cầu nối giúp DN đến gần hơn với người tiêu dùng”.

Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Hạnh Phúc Organic (huyện Xuyên Mộc) cho biết: Qua các hoạt động XTTM, các hội chợ triển lãm, công ty đã mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm mật ong tươi, sữa ong chúa, viên nang sữa ong chúa ra các tỉnh khác. Mỗi hoạt động XTTM, DN đều có được cơ hội giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của BR-VT đến người tiêu dùng và tìm được chỗ đứng trên thị trường. Đến nay, các sản phẩm mật ong, viên nang sữa ong chúa… thương hiệu Hạnh Phúc Organic đã được phân phối tại các tỉnh, thành: BR-VT, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, TP. Quy Nhơn… và được người tiêu dùng đón nhận.

NHÂN RỘNG ĐIỂM BÁN HÀNG VIỆT CỐ ĐỊNH

Theo đánh giá của Sở Công thương, năm 2018, hoạt động XTTM của tỉnh được đổi mới cả về phương thức lẫn quy mô, thu hút sự quan tâm của nhiều DN. Bằng nhiều hình thức đan xen trong các hoạt động XTTM như trưng bày, triển lãm, hội thảo, tìm hiểu sản phẩm trực tiếp… các DN đã mở rộng được kênh phân phối và học hỏi được kinh nghiệm sản xuất mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Trong khi đó, người tiêu dùng được trải nghiệm, chứng thực được chất lượng sản phẩm và tin tưởng sử dụng. Một trong những điểm sáng của hoạt động XTTM năm 2018 là nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt” tại các địa phương.

Ông Trương Văn Thôi, Giám đốc Trung tâm XTTM tỉnh cho biết: Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 của Bộ Công thương, năm 2018, ngành Công thương tiếp tục nhân rộng điểm bán hàng Việt cố định ra các địa phương trong tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 điểm bán hàng Việt cố định tại các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Côn Đảo. Từ nay đến cuối năm, Sở tiếp tục khai trương thêm 3 điểm bán hàng Việt cố định tại TX.Phú Mỹ, huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ. 

Khách hàng chọn mua sản phẩm Việt Nam tại cửa hàng tự chọn Ngày Mới - điểm bán hàng Việt cố định (huyện Châu Đức).
Khách hàng chọn mua sản phẩm Việt Nam tại cửa hàng tự chọn Ngày Mới - điểm bán hàng Việt cố định (huyện Châu Đức).

“Thông qua các điểm bán hàng Việt, chúng tôi muốn kết nối thêm nhiều sản phẩm hàng Việt đến người tiêu dùng; giúp DN nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng để xây dựng kế hoạch sản xuất, cải tiến mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm. Còn người tiêu dùng có thêm điểm mua các sản phẩm trong tỉnh chất lượng cao tại ngay địa phương. Việc phát triển hệ thống phân phối hàng Việt tại các địa phương nhằm tạo điều kiện đưa các hàng hóa thiết yếu sản xuất trong nước có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và bán đúng giá đến người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao sức mua, bình ổn thị trường”, ông Trương Văn Thôi nói thêm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.