Thiết lập trật tự sử dụng vỉa hè: Chú trọng tuyên truyền, bảo đảm hài hòa lợi ích
Thời gian qua, cuộc vận động người dân trả lại vỉa hè trên địa bàn tỉnh đã được các địa phương triển khai đồng loạt và đã đạt được một số kết quả ban đầu. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái lấn chiếm vỉa hè. Do đó, việc kết hợp đồng bộ các giải pháp phù hợp với thực tế đời sống người dân là hướng đi căn cơ hơn, đã và đang được một số địa phương triển khai thực hiện.
TP.Bà Rịa ra quân dọn dẹp vỉa hè trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa). |
KIÊN QUYẾT XỬ LÝ VI PHẠM
Thực hiện công tác lập lại trật tự vỉa hè trên địa bàn tỉnh, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương kiên quyết thực hiện giải tỏa chợ “cóc”, chợ tạm, kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để làm nơi kinh doanh, buôn bán. Kết quả bước đầu đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Tại các tuyến đường của TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa, TX. Phú Mỹ và những trục đường chính của các huyện, người dân đã tự tháo dỡ các bậc, bệ, ram dốc, bảng quảng cáo… Nhờ vậy, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán đã giảm rõ rệt.
Tại TP.Vũng Tàu, từ năm 2017 đến nay, thành phố đã xử lý hơn 8.800 trường hợp vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè. Trong đó, lập biên bản 4.418 trường hợp, tiến hành tháo dỡ, giải tỏa gần 4.000 trường hợp, cho cam kết tự tháo dỡ gần 400 trường hợp.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, tại các khu vực chợ tạm của TP.Vũng Tàu, như: Chợ Xóm Lưới (phường 2), chợ Trần Bình Trọng (phường 8), chợ Trương Công Định (phường 9), chợ Lưu Chí Hiếu (phường 10)… không còn tình trạng buôn bán tấp nập, lộn xộn như trước đây. Các hộ buôn bán ở mặt tiền các khu vực này cũng sắp sếp, trưng bày hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp để chừa lối cho người đi bộ, hay vào bên trong các căn hộ cho thuê mặt bằng. “Khu vực chợ Trần Bình Trọng trước đây chật kín người buôn bán, người dân mỗi khi đi qua đoạn đường này đều rất vất vả. Nhưng hơn một năm nay, khu vực này đã được xử lý thông thoáng, giao thông đi lại cũng thuận lợi hơn nhiều”, bà Lê Thúy Hằng (ngụ khu phố 3, phường 8, TP.Vũng Tàu) cho biết.
Đường Bình Giã (đoạn phường 10) đã giảm tình trạng buôn bán, kinh doanh trên đường, nhưng vẫn còn một vài trường hợp người dân cố tình vi phạm. |
Tại TP.Bà Rịa, các bục, bệ, ram dốc, mái che, biển quảng cáo, biển hiệu và tình trạng buôn bán kinh doanh lấn chiếm vỉa hè tại các tuyến đường đã được xử lý quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, TP.Bà Rịa đã xử lý 2.238 trường hợp vi phạm, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt 79 trường hợp. Nhờ đó, giảm hẳn được tình trạng buôn bán, kinh doanh lộn xộn lấn chiếm các vỉa hè trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc lập lại trật tự vỉa hè, dẹp chợ “cóc”, chợ tạm… vẫn chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái lấn chiếm rất cao. Nhất là tại các tuyến đường có giá trị kinh doanh buôn bán và các khu vực dân cư tập trung. Do vậy, cần phải có những giải pháp căn cơ, thường xuyên và lâu dài hơn.
THỰC HIỆN CÁC MÔ HÌNH DÂN VẬN
“Dân vận khéo” là một phương pháp “mềm” mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng để vận động người dân trả lại lề đường, vỉa hè cho người đi bộ. Đơn cử như, từ năm 2018, khu phố Mỹ Tân (phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) đã thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, vận động người dân không lấn chiếm lòng lề đường Quốc lộ 51 và đường Mỹ Xuân-Ngãi Giao đoạn đi qua địa bàn khu phố. Nhờ đó, không gian ở 2 khu vực này đã hoàn toàn đổi khác. Dọc hai bên vỉa hè hàng hóa, quán xá đã được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, không còn hộ gia đình lấn chiếm lề đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán.
Tổ dân vận khéo khu phố Mỹ Tân (phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) tuyên truyền, vận động người dân trên Quốc lộ 51 không lấn chiếm vỉa hè, lề đường để kinh doanh, buôn bán. |
Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư chi bộ khu phố Mỹ Tân cho biết, khu phố Mỹ Tân được khang trang, sạch sẽ, đường thông hè thoáng như ngày hôm này là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị khu phố, sự hưởng ứng tích cực, ý thức vì cộng đồng của nhân dân thông qua công tác tuyên truyền vận động. “Việc tuyên truyền vận động phải mềm dẻo, nhưng cương quyết. Đặc biệt, được bắt đầu từ sự gương mẫu chấp hành của các chủ hộ kinh doanh, hoặc người cho thuê mặt bằng kinh doanh là đảng viên. Nhờ vậy, đã mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong việc sử dụng vỉa hè, lòng đường”, ông Nguyễn Văn Thành nhận định.
Phường Phước Hiệp nằm ở vị trí trung tâm của TP Bà Rịa, nên hoạt động thương mại-dịch vụ phát triển, nhất là dịch vụ ăn uống. Do đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán hàng ăn của người dân dọc các tuyến đường trên địa bàn phường diễn ra khá thường xuyên và phổ biến. Nhằm đạt được sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân, UBND phường Phước Hiệp đã làm dự thảo nghị quyết, lấy ý kiến đảng viên và Mặt trận Tổ quốc, sau đó làm thành văn bản gửi đến các hộ kinh doanh trên địa bàn để tuyên truyền, vận động không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Đồng thời, các tổ vận động được thành lập gồm lãnh đạo cấp ủy, UBND phường, MTTQ phường, cán bộ dân vận cùng các cán bộ đoàn thể đều vào cuộc tham gia đi vận động từng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, giữ cho vỉa hè sạch sẽ, thông thoáng. Nhờ thực hiện tốt giải pháp trên, thành quả mang lại là địa bàn phường Phước Hiệp hiện nay đã đường thông, hè thoáng, sạch sẽ, nhất là tại các cổng trường học, bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh.
“Chúng tôi chỉ lo làm ăn buôn bán, không rõ những quy định về kinh doanh trên vỉa hè, lề đường. Khi được cán bộ phường đến vận động, tuyên truyền, nói rõ lợi ích và trách nhiệm thì chúng tôi mới thông suốt và chấp hành”, bà Nguyễn Thị Lan, kinh doanh tạp hóa tại tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa) bày tỏ.
HÀI HÒA CÁC LỢI ÍCH
Tại TP.Vũng Tàu, trong thời gian qua, để vận động người dân trả lại vỉa hè, xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp, UBND TP.Vũng Tàu đã phát gần 76.000 thư ngỏ tới cho các hộ dân, tổ chức thực hiện hơn 24 ngàn bản cam kết. Nội dung thư ngỏ và bản cam kết chủ yếu tập trung vận động người dân nâng cao ý thức vì cộng đồng, không buôn bán kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, tụ tập lập chợ tự phát.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu, để công tác quản lý trật tự đô thị đạt hiệu quả, bền vững, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, cần có sự hài hòa giữa lợi ích, nhu cầu của người dân và trật tự, mỹ quan đô thị. Do vậy, TP.Vũng Tàu đã xây dựng “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè”. Mục tiêu của đề án là tạo cơ sở pháp lý phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, lập lại trật tự đô thị; bảo đảm thông thoáng lòng đường, vỉa hè, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; đáp ứng được nhu cầu sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè cho các tổ chức cá nhân trong thời gian cụ thể, ngắn hạn; bảo đảm mỹ quan đô thị… Theo đó, đối với tuyến đường nào tập trung kinh doanh buôn bán nhiều, nên dành một phần vỉa hè phục vụ cho nhu của người dân và quy định rõ khu vực nào dành cho người đi bộ, vị trí nào được để xe, chỗ nào được làm nơi kinh doanh, buôn bán.
Mỗi một địa phương, tùy vào tình hình thực tế để xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch quản lý trật tự đô thị phù hợp. Trên cơ sở đó, tạo sự hài hòa giữa lợi ích, trách nhiệm của người dân với công tác quản lý đô thị, nhằm khai thác hiệu quả lòng đường vỉa hè. Nhà nước có thể thu được tiền cho thuê vỉa hè, người dân có thể kết hợp để kinh doanh buôn bán hoặc đỗ xe trong điều kiện cho phép. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm sự ngăn nắp, thông thoáng, trật tự và mỹ quan đô thị để hình thành nên những tuyến phố văn minh, hiện đại, đúng với chủ trương của tỉnh và hợp với lòng dân.
(Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng) |
Bài, ảnh: TRÚC GIANG