Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất kể từ năm 2011
Ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành trên cả nước về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THỐNG NHẤT |
Tham dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh BR-VT có các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện các sở, ngành, địa phương.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT tại cuộc họp nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ phát triển kinh tế trên cả nước đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất kể từ năm 2011. Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 ngàn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%).
Bên cạnh đó, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. Giá dầu thế giới đã có xu hướng chững lại, giảm được sức ép lên giá cả, lạm phát trong nước và kích thích sản xuất nhưng dự kiến còn 2 đợt giá cả có thể tăng cao, là vào dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm.
Tại BR-VT, Báo cáo 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh cũng ghi nhận, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng vượt mức bình quân chung cả năm theo Nghị quyết HĐND tỉnh. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) không tính dầu thô và khí đốt tăng 7%; giá trị sản xuất công nghiệp không tính dầu thô và khí đốt tăng 8,17%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11,26%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 8,02%, riêng dịch vụ cảng tăng 12,96%, doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 13,15%; kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí tăng 12,84%; kim ngạch nhập khẩu tăng 13,2%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,27%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn khoảng 36.918 tỷ đồng, đạt 57,49% dự toán năm và tăng 11,66% so với cùng kỳ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương để bàn về tình hình kinh tế-xã hội, đưa ra giải pháp sát, đúng với tình hình đất nước, các địa phương, các vùng. Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội cả nước 6 tháng qua, Thủ tướng nhìn nhận, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đạt được các kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN, người dân, cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.
Về những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng điểm ra: Đầu tiên là sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm khi mà CPI 6 tháng qua tăng mạnh, 0,61%, cao nhất trong 7 năm qua (chủ yếu là nhóm mặt hàng xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng). Do vậy, phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4%. Thủ tướng nhắc lại chủ trương không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế thì có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%.
Về các khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng chỉ ra 3 vấn đề trong lĩnh vực xã hội: Thiên tai, vấn đề an ninh trật tự và các vấn đề bức xúc xã hội khác. Theo đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân, tạo môi trường đầu tư ổn định để đất nước phát triển đúng hướng. Đối với các vấn đề xã hội bức xúc, Thủ tướng cho biết, thời gian qua có nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến phản ảnh về tình trạng an toàn giao thông, lừa đảo, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh trong trường học, bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm, đề bạt cán bộ… Tuy nhiên không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành. Thủ tướng khẳng định, Nhà nước có đủ khả năng, điều kiện giữ gìn, thiết lập trật tự xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, để đất nước phát triển đúng hướng.
THANH TRÍ