.

Giật mình trước lượng thẻ ATM "rác"

Cập nhật: 18:24, 10/06/2018 (GMT+7)

Đẩy mạnh phát hành thẻ ATM đã góp phần hạn chế dùng tiền mặt trong thanh toán theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời mang đến nhiều tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, theo số liệu chung của cả nước mới được công bố, hiện có hơn 55 triệu thẻ ATM đang không được sử dụng, gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng. 

Các loại thẻ ngân hàng đã giúp phát triển nhanh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trong ảnh: Khách hàng thanh toán bằng thẻ tại cửa hàng quần áo trẻ em Anh Thư (đường Lý Tự Trọng, TP. Vũng Tàu).
Các loại thẻ ngân hàng đã giúp phát triển nhanh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong ảnh: Khách hàng thanh toán bằng thẻ tại cửa hàng quần áo trẻ em Anh Thư (đường Lý Tự Trọng, TP. Vũng Tàu).

SỐ LƯỢNG THẺ ATM TĂNG NHANH CHÓNG

Trong vài năm trở lại đây, số lượng thẻ ngân hàng phát ra tăng vùn vụt. Riêng trong năm 2017, theo số liệu từ Hội Thẻ Việt Nam, 4 ngân hàng lớn là Vietinbank, Vietcombank, BIDV và Agribank đã phát hành gần 2,3 triệu thẻ. Còn tính chung toàn ngành ngân hàng, năm 2017 lượng thẻ phát hành tăng mạnh với con số gần 15,6 triệu thẻ mới.

Tại BR-VT, trong vài năm trở lại đây, số lượng thẻ ATM phát hành cũng tăng mạnh. Ông Dương Tiến Phúc, Phó Giám đốc LienVietpostbank, Chi nhánh Vũng Tàu cho biết: Tính đến đầu tháng 5-2018, số lượng thẻ ATM của đơn vị đã phát hành là 2.217 thẻ. Từ nay đến cuối năm 2018, LienVietpostbank đề ra mục tiêu  tăng số thẻ phát hành lên 2.500 thẻ. Còn lại Vietinbank, chi nhánh BR-VT, tính đến nay, số thẻ ATM đã phát hành 68.266 thẻ. Trong kế hoạch phát triển thẻ thời gian tới, Vietinbank đẩy mạnh bán chéo sản phẩm thẻ cho các khách hàng bán lẻ đang sử dụng các sản phẩm dịch vụ tại các chi nhánh; đồng thời tích cực triển khai sản phẩm chi lương tại các DN…

Mặt tích cực tại BR-VT là cùng với số lượng thẻ phát hành, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã tích cực đầu tư hệ thống máy rút tiền ATM. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Chi nhánh BR-VT, đến nay tổng số máy ATM đang hoạt động trên địa bàn là 399 máy với mạng lưới được phân bổ rộng khắp các địa bàn thành phố, thị xã, huyện thuộc tỉnh.

Có thể nói, việc đẩy mạnh phát hành thẻ đi kèm với phát triển các dịch vụ có liên quan đã thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong cả nước nói chung cũng như trên địa bàn tỉnh nói riêng. 

Khách hàng rút tiền tại cây ATM của Ngân hàng Agribank (đường Lương Thế Vinh, TP. Vũng Tàu).
Khách hàng rút tiền tại cây ATM của Ngân hàng Agribank (đường Lương Thế Vinh, TP. Vũng Tàu).
Khách hàng sử dụng thẻ để kiểm tra tài khoản tại trụ ATM của Ngân hàng Agribank (đường 30-4, TP. Vũng Tàu). Ảnh: PHAN HÀ
Khách hàng sử dụng thẻ để kiểm tra tài khoản tại trụ ATM của Ngân hàng Agribank (đường 30-4, TP. Vũng Tàu).

HÀNG CHỤC TRIỆU THẺ ATM “NGỦ ĐÔNG”

Tuy nhiên, cuộc đua “phát hành thẻ” cũng đã ít nhiều dẫn đến những hệ lụy. Thực tế có thể thấy, hiện nay, việc đăng ký mở tài khoản và phát hành thẻ tại các ngân hàng là rất dễ dàng. Bất cứ khách hàng nào muốn sử dụng dịch vụ thẻ nếu đáp ứng tối thiểu các thông tin quản lý dân cư (có CMND, nơi tạm trú, thường trú, độ tuổi…) cũng có thể được chấp nhận phát hành thẻ. Việc phát hành thẻ cũng rất nhanh. Thông thường, ở hầu hết các ngân hàng, khách hàng chỉ mất một tuần chờ đợi kể từ ngày đăng ký mở thẻ. Thậm chí, tại một số ngân hàng, sau khi hoàn tất hồ sơ khoảng 15 phút sau, khách hàng đã có thể nhận thẻ ngay tại quầy. 

Điểm đáng lo ngại hiện nay là không ít khách hàng mở thẻ mà chưa có nhiều nhu cầu về giao dịch, dẫn đến việc quản lý thẻ sau khi phát hành không tốt. Có người để thẻ ATM của mình thất lạc, nhưng do trong tài khoản không có số dư nên không đến ngân hàng để thông báo tạm đóng thẻ. Các dạng “thẻ rác” kiểu này đang chiếm gần một nửa tổng lượng thẻ phát hành. Cụ thể, theo thống kê mới được công bố của Hội Thẻ Việt Nam, đến cuối năm 2017, trong số 132 triệu thẻ ATM đã được phát hành, chỉ có 77 triệu thẻ hoạt động, 55 triệu thẻ kích hoạt xong để đó, trở thành “thẻ rác”. Tổng chi phí để phát hành 55 triệu “thẻ rác” này lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Theo giới chuyên gia, lượng thẻ “rác” quá nhiều sẽ là một trong những yếu tố buộc các ngân hàng phải tăng phí dịch vụ ATM và người dùng đích thực lại chính là những người phải gánh chịu hậu quả. Ngoài chuyện lãng phí, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc phát hành thẻ ồ ạt dẫn đến khó quản lý. Không loại trừ các loại tội phạm mượn tên của người khác để tiến hành mở thẻ và thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.

Về tình hình phát hành thẻ ATM hiện nay, ông Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh BR-VT phân tích: Trong thời gian qua, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành thẻ ATM, thẻ tín dụng với mục đích phát triển khách hàng, đồng thời gia tăng các sản phẩm dịch vụ liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, người dân khi đăng ký sử dụng thẻ lại ít quan tâm đến nhu cầu thực tế của mình, cũng như hiệu quả sử dụng lâu dài của thẻ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng các loại thẻ ngân hàng phát hành nhiều nhưng chưa phát huy được hiệu quả.

Siết chặt quản lý hoạt động mở thẻ

Cuối tháng 5-2018, NHNN đã có văn bản gửi tới các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tăng cường phòng, chống gian lận trong hoạt động mở tài khoản và thẻ ATM. Theo đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải rà soát lại toàn bộ quy trình, hồ sơ phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán, bảo đảm quy trình được thực hiện đúng không có gian lận, sai sót trong quá trình mở thẻ. Các ngân hàng phải phổ biến tới toàn thể nhân viên và người quản lý có trách nhiệm, xử lý nghiêm các cán bộ không tuân thủ quy định. NHNN cũng khuyến cáo người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng cho người khác hoặc cho người khác mượn giấy tờ tùy thân để thực hiện hành vi đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.