.
TX.PHÚ MỸ TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

Cập nhật: 19:36, 22/06/2018 (GMT+7)

Năm 2018, TX.Phú Mỹ không giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, phường mà chỉ đạo tập trung giải quyết tốt các chính sách cho hộ nghèo thụ hưởng, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Hồng Yến (khu phố Song Vĩnh, phường Tân Phước) tận dụng các khu vực đất trống tại địa phương để nuôi bò phát triển kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hồng Yến (khu phố Song Vĩnh, phường Tân Phước) tận dụng các khu vực đất trống tại địa phương để nuôi bò phát triển kinh tế gia đình.

Đồng chí Nguyễn Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ cho biết, công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Việc giảm nghèo không đơn thuần chỉ là giúp hộ nghèo đủ cơm ăn, áo mặc mà còn phải bảo đảm để họ tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin. 

Dưới sự giám sát chặt chẽ của HĐND các cấp trong triển khai công tác giảm nghèo, các chế độ, chính sách hỗ trợ đều đến kịp thời với người nghèo trên địa bàn. Trong 2 năm 2016-2017, TX.Phú Mỹ đã cấp 15.222 thẻ BHYT cho người nghèo; hỗ trợ lắp đặt 467 đầu thu truyền hình mặt đất cho các hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo chuẩn quốc gia; vận động gần 2 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà 450 hộ nghèo và các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào dịp lễ, Tết; xây mới 18 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 18 căn nhà xuống cấp, giúp các hộ nghèo có nơi ở ổn định…  

Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể trên địa bàn thị xã cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thị xã tạo điều kiện cho 2.562 lượt hộ nghèo vay vốn với tổng số tiền gần 23 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống... 

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Yến (khu phố Song Vĩnh, phường Tân Phước) từng là hộ nghèo chuẩn quốc gia. Vợ chồng chị không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh. Năm 2008, Hội Nông dân xã Tân Phước (nay là phường Tân Phước) bảo lãnh cho gia đình chị vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH TX. Phú Mỹ để mua 2 con bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của gia đình chị đã phát triển lên 29 con, trong đó có 15 bò mẹ. Từ nuôi bò, gia đình chị Yến đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Song song với việc hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, TX.Phú Mỹ còn thực hiện tốt công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, TX.Phú Mỹ đã dạy nghề cho 273 lao động nông thôn, trong đó có 54 lao động nông nghiệp, 219 lao động phi nông nghiệp; giải quyết việc làm cho 4.000 lao động.  Qua đó góp phần tạo thu nhập cho người dân địa phương, có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Anh Nguyễn Thế Anh (tổ 5, khu phố 4, phường Hắc Dịch) cho biết mới học hết lớp 9 thì nghỉ. Nhà nghèo, lại không có nghề nghiệp, anh chỉ biết đi làm thuê làm mướn để có tiền chi tiêu hàng ngày. Cuối năm 2016, anh được cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh - Xã hội phường khuyên và giới thiệu đi học lớp lái xe nâng. Học xong, anh được giới thiệu vào làm việc tại kho luân chuyển hàng hóa trong cảng Cái Mép với mức lương 6 triệu đồng/tháng.  

Theo ông Phan Minh Hợp, Phó Chủ tịch UBND phường Hắc Dịch, phường thường xuyên khảo sát để biết chính xác cuộc sống thực tế của từng hộ, biết họ cần gì để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Chẳng hạn, hộ nghèo có nhu cầu về vốn sản xuất thì hướng dẫn họ vay vốn tại Ngân hàng CSXH; lao động thuộc hộ nghèo cần học nghề thì giới thiệu cho họ học nghề và giới thiệu việc làm sau khi hoàn thành khóa học… “Quan điểm của địa phương là hướng tới giảm nghèo bền vững và những hộ đã thoát nghèo không bị tái nghèo”, ông Hợp nói.

Năm 2018, UBND TX.Phú Mỹ không giao chỉ tiêu thoát nghèo cho các địa phương mà đề ra nhiệm vụ tập trung giải quyết tốt các chính sách cho hộ nghèo với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ông Nguyễn Văn Tín cho biết thêm, để đạt mục tiêu trên, các cấp, ngành tại địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về công tác giảm nghèo để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người nghèo. Người nghèo phải xác định giảm nghèo là việc của bản thân, không ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước, chủ động thực hiện và quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, thị xã cũng chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, giúp người dân có thu nhập ổn định. Đồng thời, thị xã cũng tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở… để mọi chính sách hỗ trợ đều đến với người dân, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: KIM TUYẾN

.
.
.