An toàn thực phẩm - "bắt đúng bệnh" để có giải pháp hiệu quả - Bài 3: Tăng cường nhân lực, thiết bị cho công tác quản lý
Tình trạng không đủ nguồn lực để kiểm tra, giám sát thường xuyên; công tác kiểm nghiệm còn hạn chế; thiếu cơ sở để truy xuất được nguồn gốc thực phẩm... là những khó khăn trong quản lý ATTP.
Kiểm tra điều kiện ATTP tại cơ sở chế biến chả cá Hai Việt (1Ô3/5, khu phố Hải An, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ). Ảnh: HOÀNG HƯỜNG
|
NHÂN LỰC MỎNG, THIẾT BỊ CÒN THIẾU
Khó khăn nhất hiện nay trong quản lý ATTP là vấn đề nhân lực. Toàn tỉnh hiện có hơn 52.300 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm nhưng đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý ATTP rất mỏng, phần lớn phải kiêm nhiệm và thiếu chuyên môn về lĩnh vực ATTP. Chẳng hạn, tại huyện Xuyên Mộc, ở tuyến xã, hầu hết đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP đều không có chuyên môn về lĩnh vực này. Trong khi đó, các hộ sản xuất, kinh doanh chủ yếu là các hộ cá thể, nhỏ lẻ, tình trạng vi phạm về ATTP trong sản xuất, kinh doanh còn khá phổ biến.
Cùng với nhân lực, phương tiện kiểm nghiệm hiện cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn, ở tuyến huyện, trang thiết bị hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu, chỉ thực hiện được một số test nhanh định tính. Công tác kiểm tra lấy mẫu phân tích hàm lượng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, dư lượng chất kích thích trong sản phẩm chăn nuôi, thủy sản chưa thực hiện được.
Ngoài nguyên nhân thiếu nhân lực, phương tiện, một trong những khó khăn cản trở công tác quản lý ATTP chính là quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được áp dụng triệt để. Các cơ sở buôn bán thực phẩm tươi sống nhỏ lẻ hầu như chưa thực hiện việc ghi chép truy xuất nguyên liệu đầu vào, không ghi nhật ký sản xuất. Từ chỗ không truy xuất được nguồn gốc dẫn đến việc kiểm tra, giám sát không đi đến tận cùng của sự vi phạm. Khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm ATTP, chỉ có thể xử lý trực tiếp tiểu thương vi phạm mà không truy trách nhiệm được những người có liên quan. Có những trường hợp, bản thân tiểu thương trực tiếp sản xuất sản phẩm cũng không hoàn toàn là người trực tiếp tạo ra các vi phạm về ATTP.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP tại cơ sở giò chả Thái Bình (TP. Vũng Tàu). Ảnh: VÂN ANH
|
GIẢI PHÁP NÀO?
Để nâng cao hiệu lực quản lý ATTP cần những giải pháp hiệu quả để tháo gỡ. Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, cần phải bố trí nguồn lực cho công tác ATTP, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lực cho tuyến cơ sở để quản lý, giám sát điều kiện ATTP đối với nhóm cơ sở thực phẩm quy mô nhỏ, lẻ (hiện nay đang chiếm phần lớn). Bên cạnh đó, cần có cơ chế linh hoạt cho các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý ATTP trong việc sử dụng kinh phí xử lý vi phạm hành chính về ATTP vào nhiệm vụ chuyên môn.
Về vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm, bà Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho rằng, các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh hình thành hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Đồng thời, quy hoạch và phát triển bền vững các vùng nguyên liệu, các cơ sở giết mổ tập trung, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cơ sở kinh doanh theo chuỗi thực phẩm. Bên cạnh đó tăng cường quản lý tốt các mô hình điểm về ATTP, bếp ăn tập thể, kiểm tra các chỉ tiêu ATTP tại các chợ… Như vậy, thực phẩm sẽ được quản lý ngay từ gốc, việc truy xuất sẽ thuận lợi hơn.
Về việc tăng cường thiết bị hỗ trợ quản lý ATTP, theo ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, thời gian tới, ngành công thương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 trạm kiểm nghiệm nhanh, cố định tại 2 chợ Long Điền và chợ Ngãi Giao. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình thí điểm chợ ATTP và hỗ trợ các cơ sở thực phẩm mở rộng thêm các điểm bán hàng thuộc chuỗi ATTP, nhằm tạo thêm kênh tiêu dùng uy tín cho người dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó hạn chế các cơ sở thực phẩm nhỏ, lẻ tự phát.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 19-4-2018 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới. Theo đó, 3 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội đối với công tác bảo đảm ATTP; Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền giáo dục, tạo sự chuyển biến thực sự về hành vi ATTP; Nâng cao năng lực và chất lượng quản lý Nhà nước về ATTP. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 96% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản được kiểm tra, cấp chứng nhận đáp ứng quy định về điều kiện ATTP; 95% bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, nước uống đóng chai, nước đá do cấp tỉnh và huyện, thành phố quản lý đáp ứng quy định về ATTP; 100% chợ loại 1, siêu thị, các chợ huyện, chợ thuộc các xã nông thôn mới kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… |
NHÓM PV