Tháo gỡ mọi rào cản để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội thảo phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trên địa bàn tỉnh BR-VT, được tổ chức tại khách sạn Imperial Vũng Tàu ngày 1-6. Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các chuyên gia kinh tế và 100 DN.
KHU VỰC PHÁT TRIỂN NĂNG ĐỘNG NHẤT
Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội thảo. |
KTTN được Đảng và Nhà nước xác định là động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, BR-VT đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KTTN, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN lớn mạnh, có chất lượng, đặc biệt trên 5 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là sự khẳng định quyết tâm và cam kết của lãnh đạo tỉnh trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, tích cực nhất cho sự phát triển của DN, nhà đầu tư trong thời gian tới.
Tại BR-VT, KTTN không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và quy mô hoạt động. Tính đến nay, tỉnh có 13.501 DN, với tổng vốn đăng ký 101.567 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, KTTN hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: xây dựng, công nghiệp và dân dụng, dịch vụ ăn uống, vận tải hành khách, bán buôn - bán lẻ... Doanh thu sản xuất kinh doanh của DN khu vực KTTN cũng tăng mạnh, trong năm 2017 đạt 137 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2011, chiếm 30% tổng doanh thu của tất cả các DN trên địa bàn tỉnh.
Sự phát triển mạnh mẽ của KTTN đã tạo nhiều việc làm cho người lao động. Tính đến đầu năm 2018, số lao động làm việc trong khu vực KTTN khoảng 500 ngàn người (chiếm 85% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế). Thu nhập bình quân của người lao động không ngừng được cải thiện, từ mức lương bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng năm 2011, đến nay đã tăng lên 6,4 triệu đồng. Đóng góp vào ngân sách Nhà nước ở khu vực KTTN cũng càng tăng cao, năm 2017, nộp 3.178 tỷ đồng, dự kiến năm 2018 nộp 3.450 tỷ đồng.
SỚM THÁO BỎ CÁC RÀO CẢN
Sản xuất tinh bột nghệ tại nhà máy của Công ty TNHH Mật ong rừng Forny (66/149 đường 3-2, phường 10, TP.Vũng Tàu). Ảnh: VÂN ANH |
Bên cạnh đó, KTTN cũng bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém. KTTN có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, DN vừa và nhỏ, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp, cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với thành phần kinh tế khác… Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong KTTN còn khá phổ biến, tình trạng sản xuất gây ô nhiễm, không bảo đảm ATVSTP, gian lận thương mại… diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Ngoài ra, vẫn còn không ít rào cản khiến cho khu vực KTTN chậm phát triển như khó tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng (do thiếu vốn đối ứng, thiếu tài sản thế chấp...), chưa tiếp cận được khoa học – công nghệ tiên tiến, chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm…
Theo Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, ngày 3-6-2017, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển TKTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã có những nỗ lực lớn để thúc đẩy phát triển KTTN thể hiện qua các thông điệp của Thủ tướng, Nghị quyết các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, hay các Nghị quyết chuyên đề như Nghị quyết 19, 35 về các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh và hỗ trợ DN… với mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu DN hoạt động hiệu quả. Khu vực KTTN đóng góp khoảng 48-49% GDP.
TS. Phan Đức Hiếu cũng thẳng thắn đánh giá, những nỗ lực cải cách trong thời gian qua đã có những tác động tích cực, đã phần nào tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt trong thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản đang cản trở sự phát triển cho khu vực này. Cụ thể như, còn tồn tại rất nhiều các điều kiện kinh doanh hay các giấy phép “con” và những định kiến về KTTN. Hiện Việt Nam có hơn 4.000 các điều kiện kinh doanh; trong đó nhiều quy định không theo thông lệ quốc tế.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dù phát triển nhanh nhưng DN tư nhân vẫn có nhiều hạn chế. Thiếu thốn nguồn lực là nhân tố hàng đầu gây trở ngại cho KTTN của Việt Nam phát triển. Tỷ lệ DN tư nhân dự định tăng quy mô và người dân tham gia kinh doanh chưa cao. Phần lớn DN là công ty gia đình, nhân sự cao cấp chưa được đào tạo về quản trị DN, thiếu các chương trình đào tạo đồng bộ, liên tục. Năng suất của khu vực KTTN còn thấp do DN có quy mô quá nhỏ và phụ thuộc nhiều vào vốn (96% DN có quy mô nhỏ).
Bài, ảnh: SONG THẢO
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH: Tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân BR-VT là nền kinh tế lớn thứ 3 trên cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, năm 2017, tỉnh nộp ngân sách Nhà nước hơn 71.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, có giữ được vị trí này hay không, phụ thuộc rất lớn vào khu vực KTTN. Chính vì vậy, Hội thảo là cơ hội để tỉnh lắng nghe DN, từ đó kịp thời tháo gỡ, loại bỏ những khó khăn, rào cản để đưa KTTN phát triển đúng tầm, tiếp tục có đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, có các giải pháp để tạo nguồn lực mới trong đầu tư, giúp người dân, DN tự tin tham gia đầu tư, kinh doanh hiệu quả. Muốn vậy, Nhà nước phải làm “bà đỡ”, tạo môi trường thuận lợi cho người dân làm ăn hiệu quả, mở ra không gian cho tư nhân mạnh dạn tham gia. Tỉnh luôn trân trọng mỗi đồng vốn mà DN, nhà đầu tư bỏ ra, xem đây là thước đo cho sự tin tưởng vào những nỗ lực của tỉnh trong thu hút đầu tư và sẽ tạo mọi điều kiện để phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn đó theo đúng định hướng, mục tiêu của tỉnh, mang lại lợi ích cao nhất cho DN và cộng đồng. Tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính rườm rà, xây dựng các chương trình hành động hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển. |