.

Xuất khẩu 5 tháng đầu năm: Tăng trưởng nhưng chưa bền vững

Cập nhật: 18:15, 31/05/2018 (GMT+7)

Tiếp tục đà tăng trưởng năm 2017, hoạt động xuất khẩu của tỉnh 5 tháng đầu năm 2018 có sự tăng trưởng mạnh, với tổng kim ngạch (trừ dầu thô) tăng 10,19% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững.

Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến sản phẩm mực đông lạnh xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến sản phẩm mực đông lạnh xuất khẩu.

ĐƠN HÀNG DỒI DÀO 

Có mặt tại Công ty CP thương mại và sản xuất tôn Tân Phước Khanh (KCN Phú Mỹ I, TX. Phú Mỹ) một ngày cuối tháng 5, chúng tôi ghi nhận không khí làm việc thật khẩn trương. Các dây chuyền sản xuất hoạt động hết công suất để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác. 

Ông Đỗ Văn Tơ, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, năm 2017, ngoài cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, Công ty xuất khẩu 40 ngàn tấn (kim ngạch 31 triệu USD) đi các thị trường châu Á, châu Phi. 4 tháng đầu năm 2018, Công ty đã xuất khẩu khoảng 15 ngàn tấn (13,5 triệu USD). Năm 2018, Công ty dự kiến sản xuất 200 - 250 ngàn tấn, tăng khoảng 10% so với năm 2017 và mở rộng thị trường sang các nước châu Âu, Mỹ. Để đáp ứng các đơn hàng của đối tác, Công ty đang đầu tư thêm một xưởng sản xuất với công suất khoảng 500 ngàn tấn/năm và đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại từ châu Âu để cải tiến chất lượng. Dự kiến xưởng sản xuất này sẽ được đưa vào hoạt động trong quý IV năm nay. Ngoài ra, Công ty cũng chủ động thu mua nguyên liệu trong nước để giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu thủy sản cũng tăng trưởng ấn tượng. Ông Hoàng Tiến Minh, phụ trách kinh doanh xuất nhập khẩu Công ty TNHH Ngọc Tùng (1589 đường 30-4, TP. Vũng Tàu) cho biết: 2 năm trở lại đây, tình hình xuất khẩu các sản phẩm bạch tuộc và mực đông lạnh của Công ty khá ổn định, doanh thu tăng. Cụ thể năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu của Công ty đạt 2.300 tấn, kim ngạch 200 tỷ đồng. Năm 2018, Công ty đặt mục tiêu xuất khẩu 2.500 tấn, tổng kim ngạch 250 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2018, Công ty đã xuất khẩu được 800 tấn, trong đó 70% là xuất vào thị trường châu Âu, còn lại là Hàn Quốc. Để mở rộng thị trường và tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi Hiệp định này có hiệu lực từ năm 2019, Công ty đang mở rộng thêm xưởng sản xuất và đầu tư dây chuyền luộc, giúp gia tăng thêm khoảng 30% giá trị cho Công ty.

Công nhân Công ty CP thương mại và sản xuất tôn Tân Phước Khanh gia công thép lá mạ hợp kim nhôm kẽm. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Công nhân Công ty CP thương mại và sản xuất tôn Tân Phước Khanh gia công thép lá mạ hợp kim nhôm kẽm.

TIẾP TỤC GỠ KHÓ CHO DN

Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan nhưng hoạt động xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ngành hải sản thời gian qua gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các nước do Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” cảnh cáo. Hiện cơ quan chức năng và các DN thủy sản đang nỗ lực thực hiện các cam kết về minh bạch nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu. Các DN sản xuất kinh doanh thủy hải sản lớn của tỉnh như Baseafood, Hải Việt, Coimex đã cùng hơn 60 DN xuất khẩu thủy sản trong nước ký cam kết không mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, các ngành chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý hoạt động đánh bắt của ngư dân trên các vùng biển.

Bên cạnh đó, Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn của các DN Việt Nam cũng đang áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với một số mặt hàng. Cụ thể, ngày 15-3-2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra thông báo áp thuế chống bán phá giá đối với các DN xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam lên tới 2,39 - 7,74 USD/kg, cao nhất từ trước tới nay. Sản phẩm thép nhập khẩu vào nước này cũng phải chịu mức thuế 25% và với nhôm là 10%. Nhóm công nghiệp chế biến vốn là thế mạnh của các DN trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp không ít thách thức. Đơn cử, với dệt may, sợi dùng để sản xuất hàng xuất khẩu cũng phải nhập khẩu gần 90%. Trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới áp dụng quy tắc xuất xứ, sẽ rất khó khăn cho DN trong bối cảnh nhập khẩu nguyên liệu lớn như hiện nay. 

Theo Sở Công thương, để gỡ khó cho xuất khẩu, thời gian tới ngành sẽ tập trung khuyến khích đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, tăng cường kiểm soát nguồn cung, định hướng sản xuất gắn với nhu cầu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, song song với duy trì tăng trưởng tại các thị trường truyền thống; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế. Ngoài ra, tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cùng các bộ, ngành Trung ương cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu. 

Ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, Hiệp định CPTPP dự kiến có hiệu lực từ năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dự báo, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng trong năm 2018 và những năm tiếp theo tiếp tục có sự tăng trưởng. Để giúp các DN phát triển bền vững, sắp tới UBND tỉnh sẽ phê duyệt đề án “Hỗ trợ DN thực hiện Hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do khác”, trong quý III-2018, ngành công thương cũng tăng cường cung cấp thông tin về các hiệp định thương mại tự do, thị trường xuất khẩu để DN chủ động trong sản xuất và khai thác hiệu quả các lợi ích từ các hiệp định này để đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ, tư vấn các DN của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước.

Để giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị xuất khẩu, Công ty Xi măng Cẩm Phả chi nhánh miền Nam đã chủ động tìm kiếm các nguồn nguyên liệu trong nước thay vì nhập khẩu. Chẳng hạn, trước đây các phụ gia như thạch cao, xỉ đều phải nhập từ Thái Lan, Oman, Nhật Bản nhưng hiện nay, Công ty đã chuyển sang nhập xỉ của Formosa (Hà Tĩnh). Sắp tới, Công ty sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất để tiếp nhận, xử lý nguồn nguyên liệu xỉ từ các nhà máy luyện gang, thép trong nước để phục vụ cho việc sản xuất xi măng. Việc chuyển sang nhập phụ liệu sản xuất từ các DN trong nước giúp DN tiết kiệm chi phí đầu tư như điện năng, vận hành, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. 

(Ông Nguyễn Giang Ninh, Trưởng Phòng Kế hoạch
- Vật tư Công ty Xi măng Cẩm Phả chi nhánh miền Nam, KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ)


5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh (trừ dầu thô) đạt hơn 1,6 tỷ USD, đạt 37,63% kế hoạch năm, tăng 10,19% so với cùng kỳ năm 2017. Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô), với kim ngạch 1,15 tỷ USD (bằng 70,42%), tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2017; DN 100% vốn trong nước đạt 485,64 triệu USD, chiếm tỷ trọng 29,58%, tăng 23,24%. Nhóm hàng CN - TTCN vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chính của tỉnh với tỷ trọng 83,7% trong kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô). Dự kiến 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) toàn tỉnh đạt 2,01 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.