Ngày càng có nhiều "kênh" quảng bá đặc sản của BR-VT
Thời gian qua, nhiều sản phẩm của BR-VT như cà phê, ca cao, bưởi, nhãn, thanh long, mật ong… đã tìm được chỗ đứng trên thị trường nhờ nỗ lực của DN, HTX, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong việc kết nối cung - cầu.
Công nhân cơ sở sản xuất Kim Ngân đóng gói sản phẩm mắm tôm. |
ĐIỂM XUẤT PHÁT LÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM
Đến tham quan cơ sở sản xuất mật ong Anh Tiến (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức), có thể thấy một quy trình sản xuất mật ong khép kín và bảo đảm nghiêm ngặt về các chỉ tiêu chất lượng. Hiện nay, cơ sở sản xuất mật ong Anh Tiến đang bao tiêu nguyên liệu của 40 trại ong trên các địa bàn BR-VT, Đồng Nai, Bình Phước, Hà Nội, Bắc Giang… Trước khi đưa vào đóng chai, mật ong nguyên liệu được giám sát kỹ về chất lượng (có nhật ký về thời gian cho ăn, loại thức ăn, thời gian thu hoạch). Sau đó, mật được đưa vào các bồn xử lý tách nước, khử khuẩn đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Bà Lê Thị Anh, chủ cơ sở sản xuất mật ong Anh Tiến cho biết, cơ sở có hơn 30 năm trong nghề thu mua và sản xuất mật ong. Hiện sản phẩm đã xuất khẩu đi một số nước châu Âu, châu Á với sản lượng khoảng 40 container/năm (tương đương 700 tấn). Ngoài ra, mỗi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 60 tấn sản phẩm tại thị trường TP. Hồ Chí Minh qua công ty bán lẻ Honey Boy.
Còn cơ sở sản xuất Kim Ngân (xã Tam Phước, huyện Long Điền) chuyên sản xuất các loại mắm như: Mắm tôm, mắm ruốc, mắm nêm, tương hột... cũng chú trọng xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm. Khởi nghiệp từ năm 2013, hiện nay cơ sở Kim Ngân đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh công nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có đầu ra ổn định với sản lượng tiêu thụ mỗi tháng khoảng 46 tấn mắm các loại tại các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây. Theo bà Võ Phương Thùy, chủ cơ sở sản xuất Kim Ngân thời gian tới, cơ sở Kim Ngân sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm mới làm từ muối, thay đổi mẫu mã bao bì để xây dựng thương hiệu và tìm kiếm các kênh bán lẻ hiện đại để đưa hàng tiếp cận gần hơn với nhiều đối tượng người tiêu dùng cũng như người dân địa phương.
MỞ RỘNG KẾT NỐI ĐỂ PHÁT TRIỂN
Theo các DN, việc đưa nông sản BR-VT vươn xa, ngoài nỗ lực của DN về nâng cao chất lượng sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại là cơ hội đem đến những đối tác mới, thị trường mới.
Cụ thể, nhiều năm nay, việc kết nối cung cầu hàng hóa vẫn được Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, Liên minh HTX và một số cơ quan trong tỉnh quan tâm thực hiện đều đặn. Có thể kể đến các hội nghị kết nối giao thương, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng điểm bán hàng Việt cố định tại một số địa phương; xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu và bán các loại nông sản an toàn của tỉnh; Phiên chợ nông sản công nghệ cao. Tại các hoạt động xúc tiến thương mại này, các DN đều tìm kiếm được các đối tác, thị trường mới thông qua các biên bản ghi nhớ được ký kết.
Một trong những “địa chỉ” quảng bá nông sản có thể kể đến gần đây là việc ra đời của Phiên chợ nông sản công nghệ cao (tổ chức vào cuối tuần tại Trung tâm thương mại The Imperial Plaza Vũng Tàu). Bà Hoàng Thị Xuân Tú, cán bộ Phòng xét nghiệm vi sinh thực phẩm (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh), thành viên ban tổ chức phiên chợ cho biết, phiên chợ nông sản công nghệ cao có thể coi là một “chứng chỉ” bảo đảm về chất lượng sản phẩm vì quy trình kiểm soát chất lượng tại mỗi phiên chợ đều rất chặt chẽ. Các mẫu sản phẩm được lấy test ngẫu nhiên. Nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn sẽ bị loại bỏ.
Ông Hồ Sĩ Bảo, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Amazon (TX. Phú Mỹ), thời gian qua, nhiều chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh đã được tổ chức chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả cho DN. Qua mỗi chương trình, DN có thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường. Ông Bảo cho biết, 70% thị trường của Amazon có được là nhờ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, 30% còn lại từ hoạt động maketing của công ty.
Theo ông Trương Văn Thôi, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, năm 2018, ngoài chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt ra Côn Đảo, ngành công thương sẽ nhân rộng mô hình Xây dựng điểm bán hàng Việt cố định tại các địa phương, đồng thời tổ chức nhiều hơn các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo “kênh” phong phú cho các DN, HTX tăng cơ hội tiếp cận đối tác, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU