.

Hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu tồn đọng ở cảng

Cập nhật: 15:36, 29/06/2018 (GMT+7)

Hiện nay, tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), TX.Phú Mỹ đang tồn đọng khoảng 2.000 container hàng phế liệu do DN không chịu làm thủ tục nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất để giải phóng hàng. Việc này khiến cảng gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, cơ quan chức năng cảnh báo, do Trung Quốc đang ngưng nhập phế liệu nên mặt hàng này có thể ồ ạt vào Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, cần siết chặt việc nhập khẩu phế liệu.

CẢNG GẶP KHÓ, TIỀM ẨN NGUY CƠ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Hiện nay, có hàng ngàn container phế liệu “ngoại” tồn đọng tại các cảng biển. 
Hiện nay, có hàng ngàn container phế liệu “ngoại” tồn đọng tại các cảng biển. 

Từ đầu tháng 6-2018 đến nay, có 2.000 container phế liệu tồn đọng tại cảng TCIT, chờ vận chuyển về cảng Tân Cảng - Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) làm các thủ tục liên quan để tái xuất đi Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, cảng Tân Cảng - Cát Lái cũng đang tồn đọng hơn 8.000 container phế liệu  nên cảng này đã ngưng tiếp nhận mặt hàng này. Số container tồn đọng tại cảng TCIT chủ yếu là dây cáp điện, máy móc thiết bị cũ, nhôm nguyên liệu, phế liệu nhựa...

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Đức, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho hay: Ở các nước Nhật Bản, Singapore, Australia, Malaysia và châu Âu, chi phí để xử lý một container phế liệu cao hơn chi phí mua một container và thuê chở về Việt Nam từ 2-3 lần. Do đó, một số DN vì ham lợi đã gom phế liệu từ nước ngoài chuyển về các cảng biển Việt Nam, trong đó có cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Hầu hết các loại phế liệu trên đều vào Việt Nam dưới hình thức tạm nhập, sau đó tái xuất sang Trung Quốc. Nhưng từ đầu năm 2018, Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu nên một số DN đã “bỏ của chạy lấy người” vì không tái xuất được, trong khi chi phí tiêu hủy lại rất cao.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cho biết, việc hàng ngàn container phế liệu ứ đọng tại cảng khiến DN phải thường xuyên di chuyển vị trí các container để tạo chỗ trống chứa hàng. Việc này làm gia tăng chi phí, giảm năng suất, hiệu quả khai thác cảng, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khác của DN. Đáng lo ngại hơn, các container phế liệu tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. 

Theo các cảng, việc truy tìm chủ sở hữu các container phế liệu tồn đọng ở cảng rất khó khăn, vì nhiều DN nhập khẩu đã khai man tên, địa chỉ, hoặc khi có nguy cơ bị phát hiện thì thay đổi người nhận để “bỏ của chạy lấy người”. Ngoài ra, một số DN chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình nhập khẩu. Đến khi hoàn tất được các giấy tờ cần thiết để thông quan thì phí lưu kho bãi đã đội lên cao, vì thế họ bỏ hàng tại cảng.

CẦN SIẾT CHẶT VIỆC NHẬP KHẨU PHẾ LIỆU

Việc nhiều container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng Tân Cảng - Cái Mép đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép. 
Việc nhiều container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng Tân Cảng - Cái Mép đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép. 

Trước tình trạng trên, Cục Hải quan tỉnh đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan rà soát, soi chiếu, thực hiện phân loại những container hàng có dấu hiệu nghi vấn, thực hiện khóa container, xếp vào một khu vực riêng để theo dõi, giám sát chặt chẽ. Với những container có người nhận, lực lượng hải quan thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ,  xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm về xuất nhập khẩu phế liệu. Với những container vô chủ, nếu quá hạn 90 ngày lưu kho, sẽ tiến hành tiêu hủy những lô hàng ảnh hưởng đến môi trường.

Cảng TCIT cũng đã đưa ra các quy định siết chặt việc đưa hàng phế liệu “ngoại” về cảng này như: các DN nhập khẩu phế liệu về cảng TCIT đều phải cung cấp toàn bộ hồ liên quan đến nhập khẩu hàng để cơ quan hải quan kiểm tra, xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu. Sau đó, lãnh đạo cảng TCIT sẽ căn cứ vào xác nhận này, có văn bản gửi hãng tàu cho phép vận chuyển phế liệu về cảng. Đồng thời, cảng TCIT đang xem xét có thể sẽ  ngưng tiếp nhận các container hàng phế liệu nhựa nhập khẩu trực tiếp về cảng.

Cảng TCIT đang xem xét việc ngưng tiếp nhận các container hàng phế liệu nhựa nhập khẩu trực tiếp về cảng. Trong ảnh: Bãi container tại cảng TCIT hiện đang có 2.000 container phế liệu tồn đọng. Ảnh: AN NHẬT
Cảng TCIT đang xem xét việc ngưng tiếp nhận các container hàng phế liệu nhựa nhập khẩu trực tiếp về cảng. Trong ảnh: Bãi container tại cảng TCIT hiện đang có 2.000 container phế liệu tồn đọng.

Theo dự báo của Cục Hàng hải Việt Nam, do Trung Quốc ngưng nhập khẩu hàng phế liệu nên trong thời gian tới, mặt hàng này sẽ tìm cách ồ ạt vào các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng trên, cần siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu. Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị các Bộ: GTVT, Tài chính, Công thương, TN-MT cần có giải pháp kịp thời, quyết liệt xử lý hàng hoá chậm luân chuyển, có nguy cơ tồn đọng tại cảng biển, hạn chế cho nhập các lô hàng nhựa, giấy phế liệu đã cập bến tại các cảng biển nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu; Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc xử lý các mặt hàng nhựa, giấy phế liệu và các mặt hàng khác đã lưu bãi trên 90 ngày tại cảng các cảng biển Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động mua bán, chế biến phế liệu để bảo vệ môi trường. Quá trình nhập hàng phải có kê khai và phải qua máy soi của hải quan, nếu phát hiện các mặt hàng rác thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì cần kiên quyết không cho nhập. Đối với DN cảng biển, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc, hàng hóa phải được thanh lý sau 90 ngày cập cảng, nếu sau thời hạn trên mà chủ tàu không vận chuyển hàng hóa khỏi cảng thì phải trả lại chủ tàu hoặc xử phạt thật nặng.

Bài, ảnh: AN NHẬT

Ngày 13-6, Chính phủ đã yêu cầu 4 Bộ: Tài chính, TN-MT, Công thương, GT-VT khẩn trương rà soát, siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động mua bán, chế biến phế liệu nhằm đảm bảo an toàn môi trường. Trường hợp vượt thẩm quyền, các Bộ cần kịp thời báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp.

Phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Thạch cao; Xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; Các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng, hoặc các dạng tương tự; Phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ polyme etylen (PE); Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Giấy kraft, bìa kraft; Tơ tằm phế liệu (kể cả kén không thích hợp để quay tơ, xơ sợi phế liệu và xơ sợi tái chế); Thủy tinh vụn, thủy tinh phế liệu và mảnh vụn khác; thủy tinh ở dạng khối; Phế liệu và mảnh vụn của gang; Phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim; Đồng phế liệu và mảnh vụn; Niken phế liệu và mảnh vụn; Nhôm phế liệu và mảnh vụn; Kẽm phế liệu và mảnh vụn; Phế liệu và mảnh vụn thiếc; Vonfram phế liệu và mảnh vụn; Molypden phế liệu và mảnh vụn; Magie phế liệu và mảnh vụn; Titan phế liệu và mảnh vụn; Zircon phế liệu và mảnh vụn; Antimon phế liệu và mảnh vụn; Mangan phế liệu và mảnh vụn; Crom phế liệu và mảnh vụn.

 

.
.
.