.

Chống thất thu thuế từ kiểm tra sau thông quan

Cập nhật: 19:36, 22/06/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, việc áp dụng nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) không những góp phần giúp ngành hải quan tăng thu ngân sách nhà nước mà còn đánh giá chính xác việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của DN tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu.

Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép (TX.Phú Mỹ).
Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép (TX.Phú Mỹ).

HƯỚNG DẪN DN CHẤP HÀNH NGHIÊM PHÁP LUẬT 

Năm 2018, Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu cho Cục Hải quan tỉnh KTSTQ tối thiểu 48 DN và thu ngân sách nhà nước 20 tỷ đồng. Tính đến ngày 15-6, Chi cục KTSTQ (Cục Hải quan tỉnh) đã thực hiện 7 cuộc kiểm tra sau thông quan tại cơ quan hải quan và 17 cuộc tại trụ sở DN. Từ công tác “hậu kiểm”, lực lượng KTSTQ phát hiện một số dấu hiệu, thủ đoạn gian lận, trốn thuế như: Khai sai tên hàng (để hưởng thuế suất ưu đãi thấp); lập hồ sơ thanh khoản không đúng; lợi dụng những mặt hàng chưa được định danh cụ thể trong biểu thuế để khai vào những mã hàng có thuế suất thấp; khai sai các điều kiện được hưởng ưu đãi để trốn thuế; khai sai định mức (đối với hàng gia công). Qua đó, Chi cục KTSTQ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các đơn vị vi phạm với tổng số tiền 9,58 tỷ đồng.  

Ông Thái Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ cho biết, toàn tỉnh có khoảng 500 DN tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu. Để công tác KTSTQ đạt hiệu quả, không gây phiền hà đến hoạt động của DN, đơn vị đã tập trung kiểm tra sâu theo các chuyên đề, lĩnh vực có độ rủi ro cao. Theo đó, việc kiểm tra dựa trên các nội dung: Đánh giá việc tuân thủ pháp luật, phân tích rủi ro và theo dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, theo dõi cho thấy, tính tuân thủ pháp luật của DN ngày một nâng cao. 

Việc KTSTQ cũng góp phần đáng kể trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước, tạo môi trường pháp lý bình đẳng trong hoạt động ngoại thương, đánh giá tính tuân thủ pháp luật của DN, đồng thời góp phần chống thất thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước. 

Ông Shih Yung Chang, Giám đốc Công ty CP Tong Hong Tannery Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, TX.Phú Mỹ) cho biết, là một DN được tham gia chương trình DN ưu tiên, công ty được hưởng các chế độ ưu tiên đặc biệt, trong đó có chế độ ưu đãi hoàn thuế trước, kiểm tra sau; thực hiện nhập khẩu hàng hóa trước, khai hải quan sau… “Tuy nhiên, có những lúc DN làm sai quy định pháp luật do sơ suất, hoặc không nắm vững mã số trị giá tính thuế khi khai báo hàng hóa XNK, đến khi được kiểm tra, nhắc nhở mới biết và khắc phục. Vì vậy, thực hiện tốt hoạt động KTSTQ không chỉ hướng DN tuân thủ pháp luật, mà còn góp phần đấu tranh với gian lận, buôn lậu và bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng cho các DN hoạt động chân chính”. 

Cán bộ hải quan giám sát hàng container tại cảng TCIT.
Cán bộ hải quan giám sát hàng container tại cảng TCIT.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC HẬU KIỂM

Tuy đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng theo đánh giá của Cục Hải quan BR-VT, hoạt động KTSTQ của đơn vị thời gian qua gặp một số khó khăn như: Hàng hóa làm thủ tục xuất - nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hàng hóa phục vụ cho hoạt động dầu khí được hưởng các ưu đãi đặc biệt; DN hoạt động trên địa bàn chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật quy định về chế tài cưỡng chế trong công tác KTSTQ chưa đủ mạnh dẫn đến trong quá trình thực hiện KTSTQ còn một số DN chưa tuân thủ các yêu cầu của cơ quan hải quan, ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra.    

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác KTSTQ, Cục Hải quan tỉnh đã chỉ đạo Chi cục KTSTQ tiếp tục đẩy mạnh công tác KTSTQ, đặc biệt kiểm tra tại trụ sở DN; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hậu kiểm, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan, định hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao.  

Bên cạnh đó, Chi cục KTSTQ chú trọng nâng cao công tác thu thập, phân tích thông tin phục vụ hoạt động hậu kiểm và công tác xác minh thông tin, xử lý kết quả hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm tra trị giá; nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ (kiểm tra, kiểm toán, xác minh, điều tra,…) của cán bộ, công chức làm công tác hậu kiểm. Đồng thời, tập trung kiểm tra DN, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật, kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm. Chi cục KTSTQ cũng tập trung phân tích thông tin để kịp thời kiểm tra các DN, mặt hàng, nhóm mặt hàng có rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm lớn như kiểm tra về trị giá, mã số: ô tô nguyên chiếc, vỏ xe, linh kiện ô tô...; kiểm tra các DN gia công - sản xuất xuất khẩu, DN chế xuất có kim ngạch lớn. 

Bài, ảnh: AN NHẬT

.
.
.