.

Giải quyết khiếu nại thu hồi đất, quản lý đất trồng rừng ở Xuyên Mộc - Bài 2: Nhiều vấn đề đã được xác minh làm rõ

Cập nhật: 19:36, 22/06/2018 (GMT+7)

Như thông tin đã nêu ở số báo trước, việc khiếu nại, tố cáo của các hộ dân đối với Lâm trường Xuyên Mộc (LTXM) trước đây và từ năm 2006 chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT diễn biến ngày càng phức tạp. Quá trình giải quyết khiếu nại của các cấp chính quyền gặp nhiều khó khăn, kéo dài, nhưng nhiều vấn đề đã được xác minh, làm rõ.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với các hộ dân về giao khoán đất rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT vào ngày 16-11-2017.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với các hộ dân về giao khoán đất rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT vào ngày 16-11-2017.

KHÔNG CÓ CƠ SỞ GIAO TRẢ ĐẤT

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về giải quyết khiếu nại, tố cáo của hàng trăm hộ dân ở 3 xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc về việc bị LTXM giải tỏa thu hồi đất sản xuất nhưng không đền bù; sau đó giao lại cho cán bộ, đối tượng khác nhận khoán trồng rừng, trồng cao su, cây ăn quả… từ năm 2001 đến nay, UBND tỉnh đã thành lập nhiều đoàn thanh tra, đoàn công tác, tổ công tác để tiến hành kiểm tra, xem xét, đề xuất giải pháp xử lý các nội dung khiếu nại, tố cáo của người dân; Lãnh đạo tỉnh thực hiện hàng chục buổi tiếp công dân, đối thoại với hộ dân khiếu nại, tố cáo. Theo đó, nhiều vấn đề đã được xác minh làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Về nội dung người dân khiếu nại bị thu hồi đất nhưng không được đền bù, hỗ trợ; yêu cầu được giao trả đất để sản xuất, các kết luận thanh tra đều nêu rõ: Vào thời điểm từ năm 1988-1990, các hộ dân tự ý bao chiếm đất xâm canh trên diện tích đất trước đây tỉnh Đồng Nai và sau này là UBND tỉnh BR-VT giao cho LTXM quản lý sử dụng, không được cơ quan thẩm quyền cho phép, không kê khai, đóng thuế cho Nhà nước là sai quy định của Luật Đất đai năm 1988, 1993 và 1998. Do vậy, không có cơ sở để xem xét việc giao trả lại đất cho các hộ dân. Hành vi tự động vào lấn chiếm đất LTXM của các hộ dân là vi phạm pháp luật.

Tại thời điểm LTXM thu hồi đất (từ năm 1992 – 1995) của các hộ dân xâm chiếm đất lâm nghiệp thuộc LTXM quản lý, căn cứ quy định của Luật Đất đai năm 1988, 1993 và 1998 và Nghị định số 90/NĐ-CP ngày 17-8-1994 của Chính phủ ban hành “Quy định về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng”, xét tình hình sử dụng đất thực tế và chứng cứ do người khiếu nại cung cấp thì không thuộc đối tượng được xem xét đền bù thiệt hại về đất đai, tài sản, hoa màu, cây trồng có trên đất. Đối với những hộ dân không chấp hành việc thu hồi đất, LTXM đã vận động, yêu cầu nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng theo chương trình 327 là đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

XỬ LÝ NGHIÊM NHỮNG SAI PHẠM TẠI LÂM TRƯỜNG XUYÊN MỘC

Về nội dung tố cáo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT (chuyển tiếp hoạt động từ LTXM năm 2006) giao khoán đất trồng rừng cho cán bộ quá nhiều, giao khoán đất không đúng đối tượng. Qua công tác xác minh của Tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 2908/QĐ-UBND ngày 20-12-2013 của UBND tỉnh BR-VT, cho biết: Có tới 10 trường hợp là lãnh đạo, cán bộ quản lý Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT và nguyên lãnh đạo, cán bộ quản lý LTXM được giao nhận khoán đất trồng rừng từ hơn 30 ha đến 178ha. Ngoài ra, còn có nhiều cán bộ, công nhân đã nghỉ hưu và đang làm việc tại Công ty được nhận hợp đồng khoán trồng rừng với diện tích bình quân 15ha/cá nhân.

Như vậy, nội dung tố cáo cán bộ LTXM trước đây và cán bộ, công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT sau này được giao nhận khoán đất trồng rừng quá nhiều là có thật. Tuy nhiên, căn cứ quy định về giao khoán rừng ở từng thời điểm quy định tại Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 4-1-1995, Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 8-11-2005 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ NN-PTNT đều không có quy định hạn mức diện tích tối đa giao khoán đất rừng cho mỗi hộ gia đình, cá nhân. 

Việc tố cáo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT giao khoán đất trồng rừng cho các đối tượng không cư trú trên địa bàn là có thật. Qua xác minh cho biết, có 14 trường hợp giao khoán với diện tích 121ha cho các đối tượng ngoài địa bàn không đúng theo quy định tại Nghị định số 135/2005/NĐ-CP. 

Phóng viên Báo BR-VT (bìa phải) ghi nhận ý kiến của người dân liên quan đến việc giao đất rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT.
Phóng viên Báo BR-VT (bìa phải) ghi nhận ý kiến của người dân liên quan đến việc giao đất rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT.

Nội dung tố cáo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT không sử dụng đất được giao để trồng rừng mà trồng cây cao su cũng là sự thật. Tuy nhiên, việc Công ty tự bỏ vốn đầu tư trồng cao su, liên kết với các DN trồng cao su hay giao đất cho đơn vị khác trồng cao su đều thực hiện theo các quyết định của UBND tỉnh BR-VT vào các năm 1993, 2006, 2008, 2009.

Một số trường hợp cá nhân nhận giao khoán đất trồng rừng, nhưng sử dụng một số diện tích nhận khoán để trồng cây ăn quả, trồng cao su tiểu điền, tuy không nhiều nhưng cũng là một nội dung tố cáo của người dân được xác định có thật.

Qua công tác thẩm tra, xác minh các nội dung khiếu nại, tố cáo, xét mức độ sai phạm, thiếu sót của tổ chức, cá nhân, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1412 ngày 10-7-2014 về việc xử lý kỷ luật khiển trách đối với ông Lê Văn Cơ – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT (nay đã nghỉ hưu) do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý; thiếu kiểm tra, đôn đốc để xảy ra tình trạng sử dụng đất nhận khoán trồng rừng sai mục đích (trồng cây ăn trái, cây cao su…) mà không có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời dẫn đến gây hiểu nhầm và phát sinh khiếu nại, tố cáo của người dân.

Đối với trường hợp giao khoán đất rừng với diện tích 121ha cho 14 đối tượng ngoài địa bàn không đúng theo quy định tại Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT xây dựng phương án để thu hồi, tạo quỹ đất để giao khoán cho các đối tượng đủ điều kiện nhận giao khoán theo quy định.

Ông Lưu Ngọc Châu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT (trước đây là Phó Giám đốc) cho biết, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT giao cho Công ty xử lý trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý của Công ty đã có sai phạm, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, giao nhận khoán đất trồng rừng. Theo đó, Công ty đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo này, tổ chức kiểm điểm phê bình, khiển trách các cá nhân liên quan và báo cáo cho UBND tỉnh, Sở NN-PTNT vào năm 2014. 

Việc xử lý sai phạm tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT cũng đã được công khai cho người dân biết. Cụ thể, ngày 17-10-2014, tại huyện Xuyên Mộc, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi tiếp 115 công dân ở các xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo đối với công tác quản lý, sử dụng đất tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT. Tại buổi tiếp công dân, các hộ dân được nghe kết luận thanh tra nội dung khiếu nại, tố cáo và xử lý sai phạm đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT.


Theo đề xuất của Sở NN-PTNT về việc điều chỉnh giảm diện tích đất giao khoán vượt hạn mức 10ha/hộ (quy định tại Quyết định 2539 ngày 18-11-2014 của UBND tỉnh), giao khoán sai đối tượng, sai mục đích sử dụng tại lâm phần quy hoạch rừng sản xuất do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT quản lý, UBND tỉnh chỉ đạo việc thu hồi đất các trường hợp này với tổng diện tích 737,9ha. Trong đó, giao khoán không đúng đối tượng (người ngoài địa bàn tỉnh) 121ha, điều chỉnh giảm do giao khoán vượt hạn mức 616,9ha. Lộ trình thực hiện việc thu hồi đất từ năm 2015 đến năm 2020. Tổng diện tích đất thu hồi được sử dụng vào mục đích trồng rừng (đây là nguồn quỹ đất rừng sản xuất sẽ được giao khoán cho các hộ dân khiếu nại, xin giao khoán – PV). 

 

NHÓM PHÓNG VIÊN NC-BĐ


GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI THU HỒI ĐẤT, QUẢN LÝ ĐẤT TRỒNG RỪNG Ở XUYÊN MỘC:

An dân nhưng không vượt quy định pháp luật - Bài 1: Rừng và đất rừng bị xâm hại

Bài 2: Nhiều vấn đề đã được xác minh làm rõ

.
.
.