.

Thương mại điện tử: Quản lý chưa theo kịp phát triển

Cập nhật: 17:42, 20/06/2018 (GMT+7)

Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển rất nhanh chóng, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý thương mại điện tử vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra việc chấp hành các quy định trong hoạt động thương mại điện tử tại Công ty Táo Mỹ (TP. Vũng Tàu).
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra việc chấp hành các quy định trong hoạt động thương mại điện tử tại Công ty Táo Mỹ (TP. Vũng Tàu).

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN MẠNH

Thương mại điện tử (TMĐT), hiểu một cách chung nhất bao gồm các mối quan hệ giao dịch: giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - khách hàng, doanh nghiệp - cơ quan Nhà nước, cá nhân - cá nhân và cơ quan nhà nước - cá nhân.

Theo bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua, BR-VT đã rất quan tâm đến việc phát triển TMĐT. Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công, UBND tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động cổng thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến chung cấp tỉnh. Bên cạnh đó, các đơn vị như Cục Hải Quan, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã cung cấp dịch vụ nộp hồ sơ qua mạng. Riêng Sở Công thương đã hỗ trợ cho 20 DN, hộ kinh doanh xây dựng website TMĐT và đưa thông tin của gần 200 DN, hộ kinh doanh lên Cổng thông tin điện tử thương mại, dịch vụ và công nghiệp hỗ trợ tỉnh. Bên cạnh đó, tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương cũng được thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến (mức độ 4).

TMĐT cũng đã được các DN, đơn vị trong mọi lĩnh vực thương mại khai thác hiệu quả. Theo Sở Công thương, qua khảo sát, 100% DN thường xuyên sử dụng email để phục vụ cho mục đích kinh doanh; hơn 45% DN có website và sử dụng trang thông tin điện tử nhằm quảng bá hình ảnh và sản phẩm, 100% siêu thị và trung tâm mua sắm lớn và hiện đại trên địa bàn tỉnh như: Co.op Mart, MM Mega Market, Imperial, Lotte, VinMart+… đều sử dụng website để quảng bá hình ảnh, sản phẩm và cho phép người tiêu dùng thanh toán trực tuyến khi mua sắm. Có những DN đã đầu tư rất lớn cho TMĐT. Ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng phòng truyền thông Lotte Mart cho hay, từ tháng 11-2017, Lotte Mart đã ra mắt ứng dụng mua sắm trực tuyến “Speed Lotte” nhằm giúp khách hàng dễ dàng mua sắm. Sắp tới Lotte Mart sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng vào mô hình này để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho các ngành hàng.

Đối với lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông trên địa bàn tỉnh cũng đã liên kết với các ngân hàng thực hiện thanh toán điện tử, thanh toán qua ngân hàng. Các hình thức đặt chỗ qua mạng và qua điện thoại cũng đã được các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, văn hóa, du lịch tích cực triển khai.

QUẢN LÝ VẪN CÒN KHÓ KHĂN

Theo Sở Công thương, việc quản lý, kiểm tra về TMĐT còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong mối quan hệ giao dịch không liên quan đến cơ quan nhà nước và dịch vụ công. Đầu tháng 5-2018, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra hoạt động TMĐT 8 DN trên địa bàn tỉnh và phát hiện 6 DN chưa thực hiện việc thông báo thiết lập website TMĐT theo quy định. Khó khăn lớn nhất trong quản lý TMĐT hiện nay là hầu hết các thương nhân, tổ chức thiết lập mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram…) không có trụ sở hoặc văn phòng tại Việt Nam hoặc tỉnh. Thêm vào đó, hoạt động mua bán trực tuyến trên các trang mạng xã hội thường không có giấy tờ liên quan đến giao dịch, làm thất thoát nguồn thu. Đối với những giao dịch này, khi xảy ra tranh chấp thì người tiêu dùng rất khó đòi được quyền lợi.

Theo bà Vũ Bích Hảo, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn hạn chế, trong khi thông tin người sở hữu website, sàn giao dịch TMĐT còn lộn xộn, nên việc tìm kiếm, lưu trữ các thông tin, dữ liệu gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao sự hiểu biết của người tiêu dùng về TMĐT. Thêm vào đó, để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và tăng sự cạnh tranh trên thị trường, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để áp dụng các công cụ nhằm phát hiện và ngăn chặn các loại hình lừa đảo trực tuyến. Các DN kinh doanh trực tuyến bên cạnh việc tiếp cận công nghệ hiện đại, cần nâng cao chất lượng và bảo đảm thương hiệu của DN để sản phẩm, dịch vụ tạo được sự tin tưởng của khách hàng. Có như vậy mới tạo được môi trường lành mạnh cho hoạt động TMĐT phát triển bền vững.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.