.

Doanh nghiệp vận tải tăng giá cước

Cập nhật: 15:59, 25/06/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, do giá xăng, dầu tăng nên nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã tăng giá cước từ 2-10% để bù đắp chi phí.

Hành khách mua vé xe tại Bến xe Vũng Tàu.
Hành khách mua vé xe tại Bến xe Vũng Tàu.

Từ đầu năm 2018 đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh, hiện giá xăng E5 RON 92 ở mức 19.610 đồng/lít, xăng RON A95 21.170 đồng/lít, dầu diezel 17.460 đồng/lít, dầu hỏa 16.050 đồng/lít. So với thời điểm cuối năm 2017, xăng RON A95 tăng gần 2.000 đồng/lít, xăng E5 tăng 1.300 đồng/lít, dầu diezel tăng 2.400 đồng/lít. Việc xăng dầu tăng giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh vận tải. Gần đây, nhiều DN kinh doanh vận tải đã tăng giá cước để bù đắp chi phí. 

Đơn vị điều chỉnh giá cước sớm nhất là Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Hoa Mai. Ngày 8-5 vừa qua, Công ty này đã có văn bản gửi Sở GT-VT và Cục Thuế tỉnh xin điều chỉnh giá cước từ ngày 15-5-2018, với mức tăng từ 5,5 - 5,8% so với mức giá hiện tại cho tuyến từ BR-VT đi TP.HCM. Tiếp đến, Công ty TNHH Toàn Thắng cũng xin điều chỉnh giá cước, với mức tăng 5.000 đồng/vé từ ngày 19-5 cho tuyến từ BR-VT đi TP.HCM.

Sau Công ty Hoa Mai và Toàn Thắng, một số DN kinh doanh vận tải khác trên địa bàn tỉnh cũng xin điều chỉnh giá cước. Cụ thể, ngày 25-5, Công ty CP Dịch vụ phát triển GTVT Vũng Tàu (đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi) có văn bản gửi Sở GT-VT xin điều chỉnh giá cước taxi. Theo đó, đơn vị này xin điều chỉnh giá cước cho loại xe Hyundai, Kia Morning, Vios 5 chỗ  từ 12.000 đồng/km lên 13.000 đồng/km; đối với loại xe Toyota Innova 8 chỗ từ 15.000 đồng/km lên 16.000 đồng/km. Ngày 4-6, Công ty TNHH Dịch vụ và Vận tải ô tô Hoàng Sơn cũng xin điều chỉnh giá cước các tuyến khai thác đường dài của đơn vị từ ngày 12-6, với mức tăng từ 2,4-10,5% (tùy chặng). Công ty TNHH Hai Trâm (đơn vị khai thác vận tải hành khách tuyến từ Xuyên Mộc đi TP.HCM) cũng đề nghị tăng 7% giá cước. Không chỉ các DN kinh doanh vận tải tư nhân, một số HTX vận tải như Xuyên Mộc, Đất Đỏ cũng có văn bản gửi Sở GT-VT xin tăng giá cước khoảng 5,6%. 

Từ ngày 15-5, hãng xe Hoa Mai đã tăng giá cước tuyến BR-VT – TP.HCM từ 5,5 - 5,8%.
Từ ngày 15-5, hãng xe Hoa Mai đã tăng giá cước tuyến BR-VT – TP.HCM từ 5,5 - 5,8%.

Ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Hoa Mai cho biết: Hiện nay, công ty có hơn 200 đầu xe hoạt động trên tuyến BR-VT – TP.HCM. Thời gian qua, giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Công ty đã nỗ lực tiết giảm chi phí để giữ giá vé từ đầu năm 2018 đến giữa tháng 5. Tuy nhiên, trước áp lực giá xăng dầu tăng, từ ngày 15-5, DN đã có văn bản gửi Sở GT-VT xin điều chỉnh giá vé các tuyến như: Vũng Tàu – Bến xe Miền Đông, Vũng Tàu – Bến xe Miền Tây, Long Hải – Bến xe Miền Đông từ 90 ngàn đồng/vé lên 95 ngàn đồng/vé (tăng 5,56%); tuyến Bà Rịa – Bến xe Miền Đông; Bà Rịa – Bến xe Miền Tây từ 85 ngàn đồng/vé lên 90 ngàn đồng/vé (tăng 5,88%). 

Còn ông Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Hai Trâm cho biết: Chi phí nhiên liệu cho 1 chuyến vận chuyển hành khách chiếm gần 30% tổng chi phí. Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu liên tục tăng. Riêng tháng 5, xăng dầu đã 2 lần tăng giá. Giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải. Chẳng hạn, trước đây, chi phí nhiên liệu cho 1 chuyến vận chuyển khách từ Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) đi TP.HCM (170km) khoảng 343 ngàn đồng, nay tăng lên khoảng 400 ngàn đồng. Do vậy, nếu giữ nguyên giá cước cũ, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Sáng 25-6, trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Dương Viết Tri, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái (Sở GT-VT) xác nhận, thời gian gần đây, do giá xăng dầu tăng, một số DN đã tăng giá cước vận tải. Theo quy định hiện hành, việc điều chỉnh giá cước vận tải do DN tự quyết định, cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp (trừ khi tăng bất bình thường). Khi tăng giá cước, DN chỉ cần thông báo bằng văn bản cho Sở GT-VT và cơ quan thuế biết để theo dõi và tính thuế phù hợp.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
.
.
.