.

Cải thiện nguồn nhân lực để thu hút vốn FDI

Cập nhật: 16:53, 25/06/2018 (GMT+7)

Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), các DN trong lĩnh vực này đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Tuy nhiên, với quan điểm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao hơn thì tới đây, lao động giá rẻ không còn là lợi thế. Do vậy, việc cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn  nhân lực có vai trò quan trọng trong chiến lược thu hút vốn FDI của tỉnh.

HÌNH THÀNH ĐỘI NGŨ LAO ĐỘNG CÓ TÁC PHONG CÔNG NGHIỆP

Công nhân Công ty TNHH Dongjin Global (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ) sản xuất dây cáp điện. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Công nhân Công ty TNHH Dongjin Global (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ) sản xuất dây cáp điện. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Tính đến nay, BR-VT đã thu hút được gần 300 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 27 tỷ USD. Về đối tác đầu tư, đến nay, đã có hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh BR-VT, trong đó xuất hiện ngày càng nhiều các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Thái Lan… Hàng năm, vốn đầu tư nước ngoài chiếm 41-60% cơ cấu vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, trở thành một nguồn lực góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH tại BR-VT. Theo ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT, khu vực FDI là nguồn bổ sung vốn quan trọng, tạo nên giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, khu vực DN có vốn FDI đang tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp. Tại BR-VT, với sự có mặt của các dự án FDI, nhiều nguồn lực như: lao động, đất đai, tài nguyên khoáng sản… được khai thác và sử dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sự có mặt của khu vực này đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn ra các thành phố, đặc biệt là vào các KCN. Đồng thời, khu vực FDI cũng góp phần cải thiện nguồn nhân lực. Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các DN FDI, một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao từng bước được hình thành và có tác phong công nghiệp hiện đại, có kỷ luật lao động tốt, học hỏi được các phương thức, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nhất là các lĩnh vực liên quan đến dầu khí, dịch vụ cảng biển, sản xuất điện - thép và một số ngành công nghiệp chế biến khác.

VẪN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Công nhân trong giờ làm việc tại  Công ty TNHH Dong In Entech Việt Nam  (ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ). Ảnh: VÂN ANH
Công nhân trong giờ làm việc tại Công ty TNHH Dong In Entech Việt Nam (ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ). Ảnh: VÂN ANH

Trước đây, trong số các dự án FDI, không nhiều dự án có công nghệ cao, có sức lan tỏa, mà chủ yếu là các dự án thâm dụng lao động như dệt, nhuộm, thuộc da, thép… Hiện nay, các DN như: Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt, Công ty TNHH Meisheng Textiles Việt Nam, Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu, Công ty TNHH Sanfang Việt Nam... đang sử dụng hàng ngàn lao động. Việc lao động phổ thông từ các tỉnh di cư đến BR-VT đã làm nảy sinh nhiều vấn đề an sinh xã hội như: nhà ở, trường học, y tế…

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, việc thu hút FDI đã chuyển đổi theo hướng từ thu hút số lượng sang chất lượng, chú trọng thu hút dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Theo đó, nguồn lao động trong lĩnh vực này cũng bắt buộc phải thay đổi từ lao động phổ thông giá rẻ sang lao động có tay nghề cao. Câu chuyện của Công  ty CP Nhà máy bia Heneiken Việt Nam - Vũng Tàu (KCN Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) là một ví dụ. DN này hiện sản xuất khoảng 50 triệu lít bia/năm. Tháng 2-2017, công ty đã được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận mở rộng công suất lên 610 triệu lít/năm (tăng gấp 12 lần so với thời điểm hiện tại). Ông Đỗ Nguyễn Thái Phước, Giám đốc Nhà máy bia Heneiken Việt Nam - Vũng Tàu cho biết, thời gian đầu, để vận hành nhà máy, công ty cần tuyển 100 lao động là công nhân kỹ thuật, kỹ sư, cán bộ quản lý. Tuy nhiên, công ty không tuyển dụng được lao động địa phương, mà phải tìm kiếm nguồn nhân lực từ các tỉnh, thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Việc phải tuyển lao động từ các địa phương khác về làm việc tại BR-VT sẽ khiến DN tốn thêm chi phí đưa rước nhân viên. Đặc biệt, khi dự án mở rộng công suất lên 610 triệu lít/năm đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cần thêm khoảng 1.200 lao động. Do vậy, Công ty rất mong tỉnh có chương trình đào tạo lao động chất lượng cao, kỹ sư vận hành hệ thống máy móc, dây chuyền theo công nghệ chiết rót, đóng chai… để cung ứng nhân lực cho công ty.

Người lao động Công ty TNHH Thép Tung ho Việt Nam (KCN Phú Mỹ 2) trong giờ sản xuất. Ảnh: THANH NGA
Người lao động Công ty TNHH Thép Tung ho Việt Nam (KCN Phú Mỹ 2) trong giờ sản xuất. Ảnh: THANH NGA

Theo bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao, thời gian qua,  BR-VT tập trung nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, đổi mới công tác dạy nghề theo hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường, của DN. Theo đó, Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu UBND tỉnh nâng cao chất lượng các trường nghề trên địa bàn tỉnh bằng cách chuẩn hóa một số môn học đặc thù như: công nghiệp hỗ trợ, cảng biển, dệt may - giày da, chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn, vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu... Ngoài ra, các trường nghề cũng phối hợp với các trường ở nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo SV. Thời gian tới, BR-VT sẽ chuyển hướng đẩy mạnh xã hội hóa việc đào tạo nghề để tăng tính cạnh tranh trong việc đáp ứng nguồn nhân lực cho các DN.

MINH AN

Kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực chưa có nhiều đột phá. Cụ thể, có đến 55% DN cho biết tương đối khó và 19% đánh giá là khó trong việc tuyển lao động cho các vị trí cán bộ kỹ thuật, quản lý. Đối với nhóm lao động giám đốc điều hành/giám đốc tài chính, có 36% DN FDI được hỏi cho biết khó và 28% cho rằng rất khó tuyển dụng. Chỉ có 31% DN FDI đánh giá chất lượng lao động đáp ứng được nhu cầu của họ.

 

.
.
.