.

Chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt hải sản bằng ghe dưới 20CV: Bảo đảm công bằng, hợp lý

Cập nhật: 19:06, 25/05/2018 (GMT+7)

Hỗ trợ giải bản, đào tạo nghề và trợ giúp kinh phí sinh hoạt trong thời gian 1 năm... là những giải pháp được đặt ra trong Đề án chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân đánh bắt hải sản bằng ghe có công suất dưới 20CV trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, TP. Vũng Tàu cũng rất thận trọng và điều tra một cách kỹ càng, chính xác trước khi triển khai đề án.

Ghe dưới 20CV hành nghề lưới đầm neo đậu tại khu vực Bãi Trước, sẽ phải di dời đến địa điểm khác.
Ghe dưới 20CV hành nghề lưới đầm neo đậu tại khu vực Bãi Trước, sẽ phải di dời đến địa điểm khác.

MUỐN GIỮ NGHỀ PHẢI DỜI SANG KHU NEO ĐẬU MỚI

Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 26-6-2012 về việc cấm ghe cá hoạt động, neo đậu tại khu vực tuyến bờ từ Cửa Lấp đến mũi Sao Mai, UBND TP. Vũng Tàu đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động và giải tỏa tàu thuyền hoạt động, neo đậu tại khu vực này. Từ cuối năm 2016 đến nay, UBND TP. Vũng Tàu đã di dời hơn 100 tàu cá (trên 20CV) neo đậu từ Cửa Lấp đến Sao Mai; sắp xếp vị trí neo đậu tạm cho gần 400 ghe đánh cá (dưới 20CV) và thuyền thúng tại khu vực Bãi Trước, Cửa Lấp, Nghinh Phong. 

Tuy nhiên, hoạt động khai thác và neo đậu của các ghe đánh bắt hải sản công suất từ 20CV trở xuống từ Cửa Lấp đến mũi Sao Mai gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, ô nhiễm môi trường bãi biển, mất an toàn cho các phương tiện hàng hải qua lại và các hoạt động du lịch. Vì vậy, UBND TP. Vũng Tàu đã xây dựng phương án hỗ trợ di dời, giải bản tàu cá, chuyển đổi nghề cho những hộ ngư dân là chủ các phương tiện này. 

Cụ thể, UBND TP. Vũng Tàu giao Phòng Kinh tế nghiên cứu, khảo sát vị trí neo đậu mới thích hợp cho ghe dưới 20CV ở khu vực Gò Ông Sầm (phường 12) và Bến Đá (phường 5). Hầu hết các hộ dân đều đồng tình với chủ trương của thành phố và của tỉnh về việc giải tỏa phương tiện tại các khu vực nêu trên. Tuy nhiên, ngư dân còn băn khoăn khi đưa ghe về khu vực mới không thuận tiện trong hoạt động đánh bắt cũng như bảo quản tài sản.

Ngồi chờ ghe nhà dưới 20CV hành nghề lưới đầm về bờ sau chuyến biển tại Công viên Bãi Trước, chị Nguyễn Thị Bảy (nhà ở đường Phan Bội Châu, phường 2, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Nghề lưới đầm là nghề cha truyền con nối bao đời nay, cả gia đình tôi 5 người đều trông cậy vào nghề này. Tôi có nghe thông tin Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề, nhưng gia đình tôi lâu nay chỉ biết làm nghề biển mà không thể làm nghề gì khác nên rất lo lắng nếu phải giải bản, chuyển đổi nghề”. 

Còn ngư dân Võ Văn Dũng ở đường Phan Bội Châu, phường 2, TP. Vũng Tàu bày tỏ, các phương tiện dưới 20CV đều là loại ghe nhỏ, đưa về neo đậu tại khu vực Bến Đá, nếu không được bố trí vùng nước thích hợp dễ bị chìm do lượng sóng các tàu lớn chạy qua khu vực gây nên. Mặt khác, mỗi chuyến biển, ngư dân lại phải vận chuyển ngư cụ từ phường 2 lên phường 5 và ngược lại, vì ghe nhỏ, không có người trông coi, nếu để lại sẽ dễ bị mất cắp. Ông Dũng giải thích thêm: “Đa số bà con có ghe 20CV trở xuống là những hộ thiếu vốn, trình độ học vấn thấp nên ngoài nghề biển rất khó tiếp cận và làm nghề mới. Vì vậy, ngư dân vẫn chấp hành chủ trương di dời của nhà nước nhưng mong được di dời vào khu neo đậu mới có vùng nước an toàn, an ninh; bố trí riêng chỗ đậu”.

Các ghe dưới 20CV hành nghề lưới đầm sẽ phải di dời khỏi khu vực Bãi Trước. Ảnh: THÀNH HUY
Các ghe dưới 20CV hành nghề lưới đầm sẽ phải di dời khỏi khu vực Bãi Trước. Ảnh: THÀNH HUY

53 TỶ ĐỒNG HỖ TRỢ CHO 370 PHƯƠNG TIỆN CHUYỂN ĐỔI NGHỀ

Nhằm hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, UBND TP. Vũng Tàu đã giao Phòng Kinh tế và đơn vị tư vấn là Phân viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản phía Nam xây dựng Đề án chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân có ghe đánh cá công suất từ 20CV trở xuống đang hoạt động, neo đậu từ Cửa Lấp đến mũi Sao Mai. Theo thống kê, số lượng ghe cá có công suất từ 20CV trở xuống (kể cả thuyền thúng lắp máy và không lắp máy) đang hoạt động và neo đậu tại khu vực này là 394 phương tiện. Ông Trần Hoài Giang, Phân viện trưởng Phân viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản phía Nam cho biết: “Kết quả điều tra và thảo luận nhóm của Phân viện với các hộ ngư dân cho thấy, 51,8% số hộ có nguyện vọng chuyển đổi nghề, 36,7% số hộ không muốn chuyển đổi nghề, hơn 11% số hộ ngư dân chưa xác định được có nên chuyển đổi nghề hay không”.

Theo đề án, ngư dân giải bản tàu cá (chuyển đổi nghề khác) sẽ nhận được nhiều hỗ trợ như: Hỗ trợ giải bản phương tiện, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, an sinh xã hội, hỗ trợ chi tiêu hàng tháng và hỗ trợ đóng BHYT với mức trung bình khoảng hơn 143 triệu đồng/hộ. “Tổng kinh phí dự toán để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 370 chủ phương tiện hoạt động trước ngày 26-6-2012 là hơn 53 tỷ đồng. Chủ của 24 phương tiện còn lại không được hỗ trợ giải bản do hoạt động sau ngày 26-6-2012 và là hộ tạm trú tại TP.Vũng Tàu”, ông Trần Hoài Giang cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch UBND phường 10 cho rằng, mức hỗ trợ giải bản như đề án đặt ra còn thấp, khó làm ngư dân an tâm chuyển đổi nghề nghiệp nên cần phải nghiên cứu tăng thêm mức hỗ trợ. Ông Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng Phòng Kinh tế TP.Vũng Tàu giải thích, kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề của đề án là từ ngân sách nên có hạn. Mặt khác, đối với những ngư dân muốn nâng cấp phương tiện, vươn ra đánh bắt xa bờ, việc áp dụng các chính sách theo Nghị định 67 để hỗ trợ ngư dân cũng gặp khó vì ngư dân phải chứng minh năng lực tài chính và phương án sản xuất, kinh doanh, trong khi đa số họ là các hộ thiếu vốn, thiếu trình độ, không có khả năng điều khiển tàu lớn vươn khơi.

Đồng chí Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, quan điểm của lãnh đạo thành phố là việc chuyển đổi nghề nghiệp phải được ngư dân đồng thuận, còn nếu không chấp nhận chuyển đổi thì họ phải chấp hành di dời phương tiện về địa điểm mới. Việc xây dựng và triển khai đề án phải thật cẩn trọng, bảo đảm thông tin, số liệu về các phương tiện chính xác, tránh tình trạng trục lợi về chính sách. Các phương án hỗ trợ phải có sự tham khảo từ các tỉnh khác và khi chuyển đổi phải làm đồng bộ. “Chủ tịch UBND các phường phải quản lý chặt số lượng phương tiện trên địa bàn, nếu để phát sinh thì phải chịu trách nhiệm. Phòng Kinh tế khảo sát, tìm vị trí khu neo đậu mới thích hợp cho các ghe dưới 20CV ở khu vực Gò Ông Sầm, Bến Đá. Đồng thời, các phường và các cơ quan liên quan tiếp tục tuyên truyền đến người dân về Đề án chuyển đổi nghề cho các hộ ngư dân có ghe dưới 20CV”, đồng chí Nguyễn Lập nói.

Để được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ, nay là Nghị định 17, ngư dân phải có năng lực tài chính, phải có vốn đối ứng 5% giá trị vay (tàu vỏ thép và composite). Theo Nghị định 17 của Chính phủ, chỉ cho đóng mới tàu vỏ thép và composite có công suất từ 800CV trở lên. Ngoài ra, ngư dân phải thỏa mãn các điều kiện là thành viên tổ, đội đánh bắt và phải lập phương án kinh doanh… Sau khi ngư dân nộp đầy đủ hồ sơ, ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định, nếu bảo đảm các điều kiện sẽ được phê duyệt cho vay vốn. 

(Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh)


Những hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề sẽ được hỗ trợ chuyển đổi. Các nghề phổ biến được ngư dân lựa chọn để chuyển đổi gồm: Buôn bán nhỏ, dịch vụ du lịch, công nhân, hậu cần nghề cá, khai thác hải sản xa bờ, thuyền viên, thuyền trưởng, nuôi trồng thủy sản. Theo khảo sát, có 273 hộ với 415 nhân khẩu bị tác động khi chuyển đổi ngành nghề nhưng số người đã qua đào tạo, tập huấn chỉ chiếm 2%, còn lại chưa được đào tạo nghề.

Bài, ảnh: SA HUỲNH

.
.
.