.

Xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp

Cập nhật: 19:06, 25/05/2018 (GMT+7)

Ngày 25-5, CLB Giao thương G9 (Hội Doanh nhân trẻ TP. Vũng Tàu) phối hợp với Sở KH-CN tổ chức tọa đàm “Xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp”. Tham dự tọa đàm có lãnh đạo các sở, ngành và hơn 250 DN trên địa bàn hai tỉnh BR-VT và Tây Ninh. 

Công ty TNHH Phương Khoa giới thiệu thực phẩm xông khói kiểu Nga bên lề buổi tọa đàm.
Công ty TNHH Phương Khoa giới thiệu thực phẩm xông khói kiểu Nga bên lề buổi tọa đàm.

Chương trình còn có sự tham gia của các vị khách mời: Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế; ông Trần Ngọc Châu, Chủ nhiệm chương trình nhà lãnh đạo DN trên kênh truyền hình FBNC; ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch tập đoàn Vabis - Hồng Lam và ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ khởi nghiệp DN KH-CN.

DN VỪA VÀ NHỎ ĐỐI MẶT NHIỀU KHÓ KHĂN 

Sau 10 năm thành lập, đến nay Công ty CP Liên hiệp Mê Kông (đường số 12, KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) đã là một DN có uy tín, làm ăn hiệu quả tại BR-VT với 1 công ty mẹ (chuyên gia công thiết bị nâng hạ dầu khí, hàng hải, xây lắp công nghiệp) và 2 công ty con (chuyên gia công dây nâng hàng, dây an toàn và kiểm định thiết bị) cùng hơn 60 lao động lành nghề. Ông Đào Hoài Bắc, Giám đốc Công ty cho biết, năm 2008, ông khởi nghiệp với số vốn 300 triệu đồng. Như nhiều DN vừa và nhỏ (DNVVN) khác, công ty cũng trải qua khó khăn về vốn, về quản trị, nhân sự... Không có tài sản thế chấp nên DN không thể vay vốn ngân hàng và lúc đó cũng chưa có các kênh tài chính nào khác để hỗ trợ DN. Còn hiện nay, thị trường đầu ra vẫn là “nút thắt” với các DNVVN khi Việt Nam vẫn chưa có chuỗi liên kết đối với các DN sản xuất công nghiệp, cơ khí nên DN chủ yếu vẫn đang phải đi tìm những đơn hàng nhỏ lẻ, thị trường không đều. Do vậy, khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới rất khó khăn. Ngoài ra, việc giữ chân người lao động cũng luôn là bài toán nan giải.

Ông Phạm Hữu Phúc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH phân phối hàng tiêu dùng Kim Ngân (63 Bà Huyện Thanh Quan, phường 4, TP. Vũng Tàu) chia sẻ, ông chọn mô hình kinh doanh gia đình để vừa tiết kiệm chi phí, nhân sự vừa dễ điều hành. Hiện nay, Công ty cung cấp rượu vang cho các khách hàng, siêu thị, cửa hàng rượu, bán tại nhà hàng… trong đó 75% là khách hàng lẻ. “Trở ngại lớn nhất với DN chính là tâm lý tiêu dùng, bởi nhiều người còn lo ngại về giá cả, chất lượng của rượu vang… Do đó, tôi xác định, 24 tháng đầu DN phải bù lỗ để thâm nhập thị trường, thời gian sau đủ chi phí vận hành DN, còn chi phí đầu tư thì phải tính chuyện lâu dài”, ông Phúc nói. 

LỰA CHỌN MÔ HÌNH PHÙ HỢP

Theo thống kê của Sở KH-ĐT, tính đến nay toàn tỉnh có hơn 9.000 DN, trong đó DNNVV chiếm khoảng 98% tập trung hoạt động trên các lĩnh vực, ngành nghề chủ lực của tỉnh như: du lịch, hải sản, xây dựng, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ… DNNVV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng cũng phải đối mặt nhiều khó khăn. Trong quý I, toàn tỉnh có 124 DN ngừng hoạt động. Kết quả khảo sát DNNVV cho thấy, hiện nay đa phần DNNVV gặp khó khăn về tài chính. Cứ 100 DN mới đi vào hoạt động thì có đến hơn 96 DN ngừng hoạt động, trong đó phần lớn là các công ty TNHH, cổ phần có quy mô nhỏ. 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên nhân chính là các DN này gặp khó khăn về nguồn vốn, nhân lực thiếu và yếu, thị trường tiêu thụ nhỏ, khả năng quản trị DN còn hạn chế. Trong khi đó, các công ty đa quốc gia, tập đoàn nước ngoài đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Điều này tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt với DN trong nước, nhất là các DNNVV, DN siêu nhỏ. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần phải  tái cấu trúc DN, xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả, đầu tư cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm… 

Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ khởi nghiệp DN KH-CN cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến DN hoạt động khó khăn, trong đó tập trung vào 6 nguyên nhân chính: nguồn vốn, nhân sự, khách hàng, phân bố hoặc đầu tư vào các nguồn lực chưa hợp lý, không có hệ thống kiểm soát rủi ro và công cụ điều hành, quản lý, kiểm soát chưa hiệu quả. Do vậy, mỗi DN cần lựa chọn mô hình kinh doanh khác nhau như liên doanh, cổ phần, DNTN… Và mô hình kinh doanh nào thì cũng cần 4 trụ cột để kinh doanh hiệu quả đó là: Một nhà lãnh đạo thành công; công nghệ kết nối với các nhà khoa học, kỹ sư, sáng chế; thương mại hóa sản phẩm và thu hút đầu tư.

Các DNNVV có đóng góp quan trọng trong cơ cấu GDP của tỉnh. Do đó, BR-VT cần có chính sách hỗ trợ để nâng tầm và phát triển DN. Các DN không nên “mặc cả” với quy mô hoạt động. DN lớn không có nghĩa là thành công, DN nhỏ không có nghĩa là không hiệu quả. Hầu hết các DN tên tuổi đều bắt đầu từ những DNVVN. Điều quan trọng là các DNVVN cần phải liên kết để tạo nên sức mạnh; tận dụng công nghệ 4.0 để phát triển DN; thay đổi hệ thống phân phối bằng mạng xã hội… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng cần có các chính sách thông thoáng, bình đẳng, tạo điều kiện hơn nữa để khối DNNVV có cơ hội phát triển.

(Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan)

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.