Người dân băn khoăn trước đề xuất thu thuế nhà, đất
Dự thảo Luật Thuế tài sản quy định, sẽ đánh thuế đối với nhà, đất, ô tô, máy bay, du thuyền... Trong đó, phương án thu thuế bất động sản được quy định trong dự thảo Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính đề xuất đang khiến người dân, DN băn khoăn, lo lắng.
CẦN TÍNH TOÁN PHÙ HỢP
Chung cư Bình Giã Resident do Công ty CP Phát triển nhà BR-VT làm chủ đầu tư đã hoàn thành và bàn giao nhà cho khách hàng từ tháng 1-2018. |
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, trong dự thảo Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Căn cứ Quyết định 2127/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích nhà ở bình quân cho một nhân khẩu là 25m2. Do đó, nếu tính chung cho một hộ gia đình có 4 người thì diện tích sử dụng khoảng 100m2. Theo quy định của Bộ Xây dựng, suất đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/m2. Như vậy, giá xây dựng mới một căn nhà 100m2 khoảng 730 triệu đồng. Từ căn cứ này, Ban soạn thảo dự luật Luật Thuế tài sản chọn ngưỡng tính thuế đối với phần trên 700 triệu đồng. Với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì 1 căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, với mức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng. Còn đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư), áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.
Theo luật sư Vũ Anh Thao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư BR-VT, đề xuất đánh thuế tài sản nêu trên tác động đến đời sống của mọi tầng lớp xã hội. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, việc đánh thuế tài sản sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính của nhiều gia đình. Để luật khả thi thì các quy định phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và nguyện vọng của phần lớn người dân. Nếu không, sẽ phát sinh việc lách thuế, trốn thuế và bức xúc trong dân. Việc đánh thuế tài sản chỉ nên áp dụng đối với những người sử dụng tài sản vượt quá mức bình quân chung của xã hội. Ví dụ, một gia đình có 2 căn nhà thì chỉ xem xét đánh thuế trên căn nhà thứ hai.
Ông Nguyễn Hữu Lân, Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh BR-VT cũng cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế theo giá trị nhà là chưa phù hợp. Nếu đánh thuế theo giá trị, có nghĩa là nhà giá trị càng cao thì thuế càng cao, như vậy chẳng ai muốn xây dựng nhà lớn, xây biệt thự. Từ đó sẽ kìm hãm việc phát triển nhà ở và bất động sản gắn với đất. Thêm vào đó, hiện nay, giá trị nhà giữa thành thị và nông thôn rất khác nhau, ví dụ như ở các thành phố lớn, một căn nhà chỉ vài chục m2 đã có giá hàng tỷ đồng, còn ở vùng nông thôn thì giá trị thấp hơn nhiều. Nếu tính thuế sẽ gây mất công bằng trong xã hội. Các nước tiến bộ có đánh thuế nhà nhưng không đánh theo giá trị nhà, mà đánh theo diện tích, tức là nhà ở càng rộng (chiếm nhiều diện tích đất xây nhà) thì đánh thuế càng cao.
NGƯỜI DÂN BĂN KHOĂN
Khu nhà ở xã hội Chí Linh A (217, Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu). |
Việc Bộ Tài chính đề xuất thu thuế tài sản đã khiến người dân băn khoăn, lo lắng. Ông Nguyễn Văn Chuyên, cư trú tại lô K, khu biệt thự đồi 2 Bình Giã, phường 10, TP.Vũng Tàu cho rằng, việc ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết để chống đầu cơ bất động sản và chống lãng phí tài nguyên đất. Tuy nhiên, Nhà nước cần cân nhắc cách tính thuế cho từng đối tượng, cách xác định giá trị, chất lượng căn nhà đã xây dựng lâu năm trước khi tính thuế tránh để người dân bức xúc. Hơn nữa, Nhà nước cũng cần cân nhắc về cách tính thuế cho phù hợp để tránh tạo thêm gánh nặng cho người dân, nhất là những người nghèo, người có thu nhập thấp. Bởi theo cách tính trong dự thảo luật, đối với nhà riêng lẻ, việc xác định giá trị, chất lượng căn nhà đối với nhà đã xây lâu năm chưa rõ ràng. Trong dự thảo cũng chưa đưa ra quy định cụ thể đối với nhà xây dựng lâu năm sẽ được xác định giá trị, chất lượng theo tiêu chuẩn nào, cách tính ra sao, cơ quan nào sẽ thực hiện việc xác định phần trăm chất lượng căn nhà. Nếu không minh bạch, công bằng, người dân sẽ chịu thiệt thòi. “Vợ chồng tôi tích cóp cả đời cộng với tài sản của cha mẹ cho mới xây được căn nhà 200m2. Vợ chồng tôi đã ngoài 60 tuổi, nhưng không có lương hưu hay trợ cấp gì, mọi chi phí sinh hoạt đều nhờ con cái hỗ trợ. Nay phải đóng thêm khoản thuế này nữa sẽ tạo thêm áp lực cho chúng tôi cũng như các con vì tăng thêm một khoản chi phí”, ông Chuyên nói.
Về vấn đề này, theo ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP DIC số 4 phân tích: Trước khi đưa ra chủ trương đánh thuế nhà có giá trị trên 700 triệu đồng, Bộ Tài chính đã nghiên cứu nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, theo tôi, tại Việt Nam, quy định này chưa nên áp dụng. Bởi khi mua đất hoặc mua nhà chung cư, người dân đã phải đóng rất nhiều khoản thuế như: thuế trước bạ, thuế đất, thuế tài sản… Khi xây nhà, người dân vừa phải đóng thuế VAT khi mua vật liệu xây dựng, vừa phải đóng thuế để làm thủ tục hoàn công. Do đó, nếu áp thuế này nữa thì sẽ xảy ra tình trạng “thuế chồng thuế”. Ngoài ra, nếu áp dụng chính sách này, sẽ tác động đến thị trường bất động sản, làm giảm hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư.
Ghi nhận ý kiến của người dân và các cơ quan chức năng cho thấy, việc thực hiện Luật Thuế tài sản là cần thiết. Tuy nhiên, cần tính toán sao cho phù hợp. Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, chỉ nên đánh thuế đối với những người kinh doanh bất động sản, hoặc những người có từ 2 căn nhà trở lên. Vì hiện nay, những hộ có nhà trị giá dưới 1 tỷ đồng thường là những gia đình khó khăn, tích góp nhiều năm mới có, thậm chí có những hộ phải vay ngân hàng để mua đất, xây nhà.
Thống kê của Sở Xây dựng, hiện nay, trên địa bàn TP.Vũng Tàu và TP.Bà Rịa, nhà có giá trị trên 700 triệu đồng/căn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 50%. Ông Khải Quốc Bình, Trưởng Phòng Quản lý nhà và bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết: “Ở góc độ quản lý Nhà nước, tôi ủng hộ việc áp thuế tài sản đối với nhà ở như một số nước khác. Tuy nhiên, việc này phải có lộ trình thực hiện, có thể là sau năm 2020. Và việc áp thuế phải đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để tránh tình trạng thuế chồng thuế. Mặt khác, thuế tài sản sẽ tác động đến mặt bằng giá cả nói chung mà trực tiếp là giá cả thị trường bất động sản, từ đó làm giảm hoạt động đầu tư, kinh doanh, dẫn đến khả năng sụt giảm giao dịch trên thị trường bất động sản”.
NHÓM PV KINH TẾ