Chợ cháy là "hết đường chạy"
Hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh do được xây dựng từ lâu, nên cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số chợ chưa có hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC, trong khi đó hàng hóa của tiểu thương bày biện ngổn ngang, choán hết mọi lối thoát hiểm. Một thành viên của đoàn giám sát HĐND tỉnh khi đi giám sát công tác PCCC tại chợ đã phải thốt lên: “Chợ rất dễ cháy, mà đã cháy là hết đường chạy”!
Cùng đi với Đoàn công tác của Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các quy định về PCCC chợ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi ghi nhận nhiều tồn tại trong công tác PCCC tại các chợ. Cụ thể như, chợ tạm Ngọc Hà (TT. Phú Mỹ, huyện Tân Thành) có diện tích 2.000m2 được xây bằng khung thép mái tôn, nằm trọn trong khu dân cư đông đúc. Tuy chỉ có 219 tiểu thương đăng ký kinh doanh, nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều tiểu thương vãng lai bày biện hàng hóa lấn chiếm lòng, lề đường cản trở lối thoát nạn. Đội PCCC của chợ có 5 người nhưng chỉ trực vào buổi sáng khi chợ đông người, các thời điểm khác trong ngày không người ứng trực.
Hàng hóa bày bán tràn lan ra đường chiếm hết lối đi tại chợ Ngọc Hà ( TT. Phú Mỹ, huyện Tân Thành). |
Còn tại chợ Mỹ Xuân (huyện Tân Thành), có 4 trụ nước cứu hỏa, một số trụ đã hư hỏng, một số trụ khác bị các tiểu thương bày bán hàng hóa tràn lan, bít luôn họng nước. Bên cạnh đó, tình trạng tiểu thương tự ý câu móc, đấu nối điện không an toàn diễn ra khá phổ biến. Do đấu nối không đúng tiêu chuẩn nên dây điện có chỗ hở cả lõi đồng, chỗ lòng thòng sát đầu người rất dễ chạm chập điện gây cháy, nổ.
Ông Nguyễn Viết Dân, Trưởng Ban quản lý chợ Châu Pha cho biết, chợ Châu Pha đi vào hoạt động từ năm 1993, tổng diện tích khoảng 6.000m2 gồm khu nhà lồng chính với 40 ki ốt xây dựng khung thép mái tôn, khu ki ốt được xây dựng nhà cấp 4 liền kề với diện tích 388m2 và khu bán hàng tươi sống có 150 sạp với diện tích 350m2. Tại chợ, các lối thoát nạn đã bị hàng hóa che lấp, không có đèn chiếu sáng sự cố, không có biển chỉ dẫn. Một số hộ còn thắp nhang, đèn thờ cúng trong khu vực kinh doanh, hàng hóa để gần các nguồn nhiệt (ổ điện), chưa có họng nước chữa cháy…
Chợ Bình Giã (huyện Châu Đức) đã nhiều lần suýt xảy ra sự cố cháy, nổ. Tiểu thương Nguyễn Thị Thành, kinh doanh quần áo tại chợ Bình Giã nhiều năm nay, kể: “Mấy tuần trước, một quầy bán chả cá để lò than hồng cả đêm ngay cạnh đống củi khô rồi ra về. Sáng ra, nhận thấy hơi nóng của than tỏa ra xung quanh, tôi liền vội vã lấy nước dập lửa. May mắn không xảy ra cháy chứ không sạp quần áo của tôi đã bị thiêu rụi rồi”. Theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ Bình Giã, các sạp bán đồ ăn sáng nấu nướng ngay trong chợ mà không bị nhắc nhở. Do đun nấu bằng than lâu ngày nên khói bay lên bám vào mái tôn đen sì. Củi khô thì chất đống ngay cạnh các sạp bán quần áo, vải vóc… Tuy có bình chữa cháy, họng nước cứu hỏa nhưng đã “đắp chiếu” nhiều năm nay. “Việc đun nấu không chỉ gây nguy cơ cháy nổ, mà khói còn bao trùm trong nhà lồng làm chúng tôi rất khó thở. Nhiều lần phản ánh tình trạng trên đến ban quản lý mà chẳng thấy chuyển biến”, chị Hồng - một tiểu thương bán rau cho hay.
Củi khô chất đống trong chợ Bình Giã (huyện Châu Đức). |
Do không tuân thủ các quy định PCCC, nguy cơ cháy nổ tại các chợ rất cao. Cụ thể như, trên địa bàn huyện Châu Đức có 16 chợ với 2.600 hộ kinh doanh, trong đó kinh doanh cố định là 2.138 hộ. Hiện nay, trong khu nhà lồng tại các chợ chưa được đầu tư đường dây điện hạ thế theo quy định, mà các dây được đi luồn vào vách ngăn bằng tôn, dây dẫn điện còn câu móc lung tung, không được đi trong ống bảo vệ cách điện nên dễ gây chạm chập. Các chợ chưa trang bị hệ thống đèn chỉ dẫn, lối ra, các hộ dân xung quanh tự ý làm mái tôn che khuất đường giao thông, hàng hóa lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn, chưa có hệ thống chống sét, hệ thống báo cháy tự động, thiếu họng nước và bình chữa cháy…
Theo Đại úy Nguyễn Phú Quốc, Phó Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về PCCC-Cảnh sát PCCC tỉnh, qua kiểm tra, hầu hết các chợ, trung tâm thương mại đều hoạt động quá tải so với thiết kế ban đầu. Nhiều hộ kinh doanh tự ý câu móc điện, cơi nới, trưng bày hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn, cản trở đường hoạt động của xe chữa cháy. Bên cạnh đó, một số chợ xây dựng lâu năm đã xuống cấp không còn phù hợp với tiêu chuẩn PCCC hiện hành. Nhưng giải pháp trước mắt là các chợ phải tăng cường tuần tra, kiểm tra PCCC hàng ngày, đặc biệt là vào ban đêm.
Kiểm tra kỹ năng sử dụng bình chữa cháy của một tiểu thương tại chợ Suối Nghệ (huyện Châu Đức). |
Trong chuyến đi thực tế vừa qua tại một số chợ, các thành viên của Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh đều có chung nhận định: Vấn đề xuống cấp, quá tải, không an toàn phòng chống cháy, nổ tại các chợ, đặc biệt là các chợ hạng 3 hiện trong tình trạng báo động ở mức cao. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp sớm khắc phục.
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN THỌ, TRƯỞNG BAN NỘI CHÍNH TỈNH ỦY, TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ HĐND TỈNH: Các địa phương cần nhanh chóng tổ chức rà soát công tác PCCC tất cả các chợ trên địa bàn quản lý, quan tâm đầu tư hệ thống PCCC, đẩy mạnh tuyên truyền PCCC đến các tiểu thương, thường xuyên kiểm tra, kịp thời khắc phục những tồn tại và xử lý các trường hợp vi phạm PCCC… Đối với những chợ lâu năm, cần xem xét xây mới hoặc sửa chữa lớn để đáp ứng các yêu cầu về an toàn PCCC. Ông Hồ Thúc Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết: Thời gian qua, UBND huyện Châu Đức đã tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 145 đối tượng tại các xã, ban quản lý chợ. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, siết chặt việc kiểm tra điều kiện PCCC tại các chợ. Huyện cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ lực lượng PCCC trong việc diễn tập, tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy chợ. Về cơ sở vật chất, trong năm 2018, UBND huyện sẽ bố trí kinh phí 2,5 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa các chợ trên địa bàn huyện, trong đó trang bị thêm các thiết bị PCCC. |
Bài, ảnh: PHƯỚC AN