Giảm chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh
Gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với DN Việt Nam hiện nay, trong đó, chi phí logistics quá cao gây ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc tìm các giải pháp tổng thể cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế cũng chính là mục tiêu của hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngày 16-4.
Tại điểm cầu BR-VT, đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
NHIỀU BẤT HỢP LÝ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. |
Theo đánh giá của Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam tương đương với khoảng 20,9% GDP (trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%), gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển (Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%). Còn theo thống kê của VCCI, hiện vận chuyển một container hàng hóa từ cảng Hải Phòng về Hà Nội (và ngược lại) chỉ khoảng 100km, nhưng chi phí đắt gấp 3 lần so với vận chuyển một container từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam; vận chuyển một container hàng hóa từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh bằng đường bộ cao gấp 9,7 lần so với đường biển và hơn 2,5 lần so với đường sắt.
Tại hội nghị, những hạn chế, thách thức của ngành logistics Việt Nam được đại biểu phân tích, nêu rõ. Cụ thể như: kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics chưa rõ ràng, chồng chéo và chưa nhất quán. Các DN cung cấp dịch vụ còn nhỏ lẻ; DN sử dụng dịch vụ chưa đánh giá hết được tầm quan trọng của việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng. Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Công, điểm yếu cố hữu của chuỗi logistics tại Việt Nam chính là kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng đều, thiếu đồng bộ, đặc biệt là kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt với hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển còn chắp vá…dẫn đến chi phí vận tải cao như tình trạng tắc nghẽn phương tiện và hàng hóa trên các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái (quận 2), khu vực cụm ICD Trường Thọ (quận Thủ Đức, TP HCM).
PHẢI KÉO GIẢM CHI PHÍ LOGISTICS
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu “giảm chi phí logistics xuống hơn nữa, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%” bởi “đây là khâu quan trọng nên chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn”.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm, logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế và phát triển dịch vụ logistics thành một ngành kinh tế đem lại giá trị gia tăng cao; gắn dịch vụ này với phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu. Do vậy, cần phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Muốn đạt được mục tiêu này, “cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ DN để làm tốt dịch vụ này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GT-VT, Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các DN vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết. Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại. Các DN logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ.
TRÀ NGÂN