.

Lò giết mổ gia súc, gia cầm không phép: Không có lý do để tồn tại

Cập nhật: 18:08, 02/04/2018 (GMT+7)

Hiện nay, một số cơ sở giết mổ gia súc tập trung hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó vẫn tồn tại khá nhiều lò giết mổ nhỏ lẻ không phép ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống cũng như công tác bảo đảm ATVSTP.

NHIỀU LÒ GIẾT MỔ KHÔNG PHÉP 

Dàn thiết bị giết mổ hiện đại của Công ty TNHH Công Thành (huyện Long Điền) phải tạm ngưng hoạt động do không đủ công suất, thu không bù chi.
Dàn thiết bị giết mổ của Công ty TNHH Công Thành (huyện Long Điền) phải tạm ngưng hoạt động do không đủ công suất, thu không bù chi.

Rạng sáng 14-2-2018, Đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với UBND huyện Long Điền đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hộ ông Bùi Văn Thiên đang giết mổ heo không phép tại nhà riêng ở tổ 11, ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng, với quy mô 5-7 con heo/ngày. UBND huyện Long Điền đã ra quyết định tiêu hủy tang vật và xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7 triệu đồng về hành vi giết mổ động vật (heo) tại địa điểm không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. 

Trước đó, Đoàn cũng đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7 triệu đồng đối với ông La Văn Hộ, ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng về hành vi tương tự. Ông Hộ giết mổ 5-7 con heo/ngày. Trong quá trình giết mổ, ông Hộ để thịt, nội tạng heo ngay trên nền đất bẩn thỉu. Phương tiện chở thịt heo thành phẩm đi bỏ mối ở các chợ chủ yếu là xe máy nên không bảo đảm vệ sinh môi trường. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cả 2 cơ sở giết mổ nêu trên phải ngưng hoạt động.

Theo Sở NN-PTNT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không phép, trong đó có 15 điểm giết mổ heo (giết mổ khoảng 70-100 con/ngày), 2 điểm giết mổ trâu bò (giết mổ 2-3 con/ngày) và 13 điểm giết mổ gia cầm (giết mổ 450-550 con/ngày). Theo ông Phan Văn Trai, Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Chăn nuôi và Thú y), các điểm giết mổ không phép này nằm trong khu dân cư, không đảm bảo tiêu chí về diện tích, cơ sở hạ tầng thô sơ, không có khu nuôi nhốt phân loại động vật bị bệnh... Đặc biệt, việc giết mổ và phân loại thịt thành phẩm chủ yếu trên nền nhà không được vệ sinh kỹ và tiêu độc khử trùng theo quy định. Thịt thành phẩm chủ yếu được vận chuyển đến các chợ bằng xe máy nhưng không được bao, gói đầy đủ. Do vậy, các cơ sở giết mổ không phép không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường. 

 Ông Phan Văn Trai cho biết thêm: Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý các lò giết mổ không phép nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân là do các lò giết mổ này chủ yếu hoạt động ban đêm (từ 2-5 giờ sáng) nên rất khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, nhiều lần Đoàn kiểm tra nhận được tin báo từ người dân nhưng khi tiến hành kiểm tra thì các chủ lò mổ chống đối, không mở cửa cho cơ quan chức năng vào kiểm tra.

CẦN HỖ TRỢ CÁC CƠ SỞ GIẾT MỔ TẬP TRUNG

Giết mổ gia súc ở một điểm giết mổ tạm thời tại phường 12 (TP.Vũng Tàu).
Giết mổ gia súc ở một điểm giết mổ tạm thời tại phường 12 (TP.Vũng Tàu).

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhằm giải quyết dứt điểm các lò mổ lậu, việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung hiện đại là biện pháp tối ưu. Các cơ sở này có nhiều ưu điểm như: bảo đảm an toàn thực phẩm, tiết kiệm điện, nước, nhân công. Công tác kiểm soát giết mổ theo quy định từ phía cán bộ thú y cũng được thực hiện dễ dàng, thuận tiện. Do đó, việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là cần thiết, nhằm chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ hiện đại do DN đầu tư. Đơn cử như cơ sở giết mổ gia súc của Công ty TNHH Công Thành tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền. Đây là cơ sở giết mổ gia súc tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh, công suất khoảng 300 con/ngày, với mục tiêu thay thế toàn bộ 5 lò mổ nhỏ lẻ, gây ô nhiễm trên địa bàn huyện Long Điền. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tấn Công, Giám đốc Công ty TNHH Công Thành, chỉ sau vài tháng hoạt động, cơ sở đang gặp nhiều khó khăn. Dù giá mổ heo chỉ còn 48 ngàn đồng/con, nhưng hiện mỗi ngày, cơ sở cũng chỉ giết mổ 70-80 con. Trong khi đó, hàng tháng, công ty phải chi gần 200 triệu đồng tiền nhân công, điện, nước… Do vậy, hiện mỗi tháng, công ty phải bù lỗ gần 100 triệu đồng. Nguyên nhân khiến cơ sở giết mổ hiện đại của công ty không thể cạnh tranh với các lò mổ nhỏ lẻ là do hầu hết các lò giết mổ này đều nằm trong khu dân cư, gần với các chợ và điểm bán lẻ nên việc vận chuyển thịt thành phẩm đến điểm tiêu thụ dễ dàng và nhanh hơn. Các lò mổ nhỏ lẻ không có sự kiểm soát của cơ quan thú y, giết mổ ngay trên sàn, nội tạng và thịt để chung một chỗ nên thời gian ra thịt thành phẩm để vận chuyển đến chợ cũng nhanh hơn. Bên cạnh đó, do không phải đóng phí kiểm dịch thú y và xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên giá thành giết mổ cũng rẻ hơn giá ở lò có phép.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn (TP. Vũng Tàu).
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn (TP. Vũng Tàu).

Ngoài những rủi ro do phải cạnh tranh với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nhiều DN cũng ngại đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung do khó khăn về vốn, thủ tục xin giấy phép xây dựng cũng khá phức tạp. Cụ thể như: Địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu 500m với khu dân cư, trường học, bệnh viện, quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt; cách tối thiểu 1km với trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm như bãi rác, nghĩa trang, nhà máy thải bụi và hóa chất độc hại…

Ông Nguyễn Xuân Trung cho biết, từ thực tế nêu trên, việc kêu gọi đầu tư, xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung hiện đại đang là bài toán khó, đòi hỏi cần có sự trợ giúp nhiều hơn nữa của các cấp, ngành trong việc quy hoạch các khu vực giết mổ tập trung, cơ chế chính sách khuyến khích các DN. Cùng với đó, cần kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi thói quen của người tiêu dùng. 

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.