.

Huyện Xuyên Mộc: Tìm giải pháp phát triển HTX

Cập nhật: 17:14, 25/04/2018 (GMT+7)

Khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ, đất đai đã khiến cho nhiều HTX trên địa bàn huyện Xuyên Mộc hoạt động không mấy hiệu quả. Đây cũng là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các HTX trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.

Sản phẩm nông sản chế biến sẵn của HTX Tiện Lợi trưng bày tại phiên chợ nông sản an toàn của tỉnh năm 2017.
Sản phẩm nông sản chế biến sẵn của HTX Tiện Lợi trưng bày tại phiên chợ nông sản an toàn của tỉnh năm 2017.

HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đang canh tác gần 100ha tiêu, với các sản phẩm: Tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu giống, tiêu ngũ sắc, tiêu lốp, tiêu đông lạnh… Ngoài thị trường trong nước, tiêu Bầu Mây được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, với mục tiêu đưa thương hiệu tiêu Bầu Mây vươn xa trên thị trường quốc tế, năm 2015, HTX xây dựng quy trình sản xuất theo hướng GlobalGAP. 15ha tiêu của HTX đã được khoanh vùng, gắn bảng theo dõi từ khi trồng đến khi thu hoạch và kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng phân bón, nước tưới, chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật. HTX đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để nhập 7 hệ thống tưới và chăm phân tự động theo công nghệ Irael để giảm bớt nhân công. Ngày 12-1-2018, 15ha hồ tiêu của HTX đã được chứng nhận GlobalGAP (chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Đây là bước ngoặt quan trọng để HTX xây dựng vùng nguyên liệu lớn và phát triển thương hiệu tiêu Bầu Mây “vào” được các thị trường khó tính như Mỹ, EU. 

Còn HTX SX-TM-DV An Toàn Tiện Lợi (gọi tắt là HTX Tiện Lợi) trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm an toàn của huyện Xuyên Mộc nói riêng và tỉnh BR-VT nói chung sau 5 năm thành lập. Để làm được điều này, năm 2014, HTX Tiện Lợi đã đầu tư dây chuyền sơ chế, tạm trữ rau an toàn với quy mô 1 tấn/ngày, gồm: máy rửa 3 ngăn, máy ly tâm tách nước, máy đóng gói, kho lạnh và một số vật dụng như pallet, bàn, ghế... Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc HTX Tiện Lợi cho biết, để bảo đảm thực phẩm an toàn, HTX quản lý chặt chẽ từ khâu gieo trồng đến thu hoạch. Sau khi thu mua, HTX phân loại thực phẩm, loại bỏ các thực phẩm không đạt chất lượng; cắt, rửa, đưa vào bồn sục khí ozon; xử lý qua tia cực tím để diệt khuẩn; đóng gói sản phẩm; kiểm tra nhãn mác, bao bì nhập kho bảo quản sản phẩm và đưa đi tiêu thụ. Bên cạnh đó, HTX cũng phát triển chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn tại các địa phương trong tỉnh. 

Thế nhưng, số HTX tìm được hướng đi như 2 mô hình trên không nhiều. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, trong số 18 HTX của huyện Xuyên Mộc, chỉ có 2-3 HTX hoạt động hiệu quả, số còn lại đều gặp khó khăn. Nguyên nhân là do năng lực quản lý điều hành của cán bộ HTX còn yếu, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và bấp bênh. Ông Phan Nhật Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Hầu hết HTX hoạt động chỉ đối phó với tiêu chí số 13 - hình thức tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Khó khăn lớn nhất hiện nay mà các HTX trên địa bàn huyện Xuyên Mộc gặp phải là nguồn nhân lực đầu tàu của HTX còn thụ động, thiếu cơ sở hạ tầng. Gỡ được nút thắt này thì các HTX mới phát triển được”.

Phản ánh của các HTX cũng cho thấy, hiện nay do thiếu vốn, thị trường đầu ra bấp bênh nên chỉ hoạt động cầm chừng. Ông Trần Quang Hải, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thịnh, xã Bưng Riềng cho biết, HTX hiện có 29 xã viên, canh tác gần 28ha thanh long, sản lượng đạt từ 40 đến 50 tấn/ha. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm thanh long của HTX vẫn gặp khó khăn về đầu ra. Chất lượng thanh long của BR-VT được đánh giá tốt nhưng vẫn phải bán dưới tên thanh long của Long An, Bình Thuận. Nguyên nhân là HTX chưa có cơ sở sơ chế, đóng gói bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Nếu xây dựng được nhà sơ chế quy trình sản xuất cây thanh long ở Bưng Riềng sẽ khép kín từ khâu cung cấp cây giống đến đưa sản phẩm ra thị trường. HTX đã xây dựng đề án xây dựng nhà sơ chế thanh long và đã được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh chấp thuận. Tuy nhiên,  đến nay dự án này vẫn chưa triển khai thực hiện được do gặp khó khăn về vốn, đất đai. “Với số vốn đầu tư cho xây dựng nhà sơ chế khoảng 4 tỷ đồng, HTX không thể “gánh” nổi”, ông Hải cho biết thêm.

Để gỡ khó cho các HTX huyện Xuyên Mộc, ông Huỳnh Sơn Thái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Sở đã có văn bản đề nghị huyện Xuyên Mộc ưu tiên giao đất, cho thuê đất để các HTX xây dựng các cửa hàng mua bán sản phẩm. Đồng thời, đề nghị huyện đưa tiêu chí phát triển HTX vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đầu tư nguồn lực, hỗ trợ HTX trong thời gian tới. Tuy nhiên, các HTX cũng không nên trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà cần chủ động thay đổi trong sản xuất kinh doanh, tập trung sản xuất các sản phẩm có lợi thế và tăng cường liên kết để mở rộng thị trường. 

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.