Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động
Dù gần một tháng trở lại đây, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,5%/năm so với trước đó. Các chuyên gia tài chính nhận định, lãi suất huy động giảm chỉ xảy ra tại một thời điểm nhất định. Về lâu dài, xu hướng giảm lãi suất đầu vào rất khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh các kênh khác như: vàng, bất động sản đã và đang hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Quốc Dân, Chi nhánh BR-VT. |
MỨC GIẢM PHỔ BIẾN TỪ 0,1-0,5%
Khảo sát thị trường lãi suất huy động tại các ngân hàng cho thấy, thời gian gần đây nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi, trong đó chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.
Cụ thể, tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), từ cuối tháng 3-2018 đến nay, đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất. Theo đó, VIB giảm từ 0,3-0,5% lãi suất tiền gửi so với hồi tháng 1 ở các kỳ hạn 1-3 tháng, xuống còn 5-5,1%. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng đã giảm 0,2-0,4%. Hiện lãi suất của kỳ hạn 6 tháng là 6% đến 6,3% tùy lượng tiền gửi nhiều hay ít. Tại VPBank, từ cuối tháng 3 vừa qua cũng áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới, điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, ngân hàng này giảm 0,2% ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 12-36 tháng, giảm 0,3% ở kỳ hạn 6-7 tháng và giảm 0,4 % kỳ hạn 8-11 tháng. Đây là lần giảm lãi suất huy động thứ 3 liên tiếp trong 2 tháng gần đây của VPBank. Tại Ngân hàng MB, lãi suất ở nhiều kỳ hạn ngắn giảm từ 0,1 đến 0,2% so với đầu tháng 2. Chẳng hạn như lãi suất kỳ hạn 6 tháng đã giảm 0,2% xuống còn 5,5%. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên ở mức 7,2%. Nam A Bank cũng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi VND 0,1%/năm đối với kỳ hạn từ 6-8 tháng còn 6,5%. Từ 9 tháng trở lên thì ngân hàng áp dụng giảm 0,2%/năm.
Một số ngân hàng có vốn chi phối của Nhà nước, lãi suất huy động cũng được điều chỉnh giảm. Tại VietinBank, trần lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng hiện chỉ còn 4,8%, giảm tới 0,5% so với trước đây. Tuy nhiên, hầu hết các kỳ hạn dài lại không thay đổi, từ 12 tháng đến dưới 36 tháng, khách hàng gửi tiết kiệm vẫn được hưởng lãi 6,8-6,9%/năm. BIDV cũng đã có 2 lần điều chỉnh khung lãi suất huy động gần đây. Theo đó, lần đầu giảm 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng, lần 2 điều chỉnh giảm 0,1% lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 364 ngày và 13 tháng. Hiện lãi suất tiền gửi 1-2 tháng ở ngân hàng này chỉ còn 4,1%; lãi suất cho kỳ hạn trên 12 tháng là 6,8-6,9%.
Theo phản ánh của các ngân hàng, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động thời gian gần đây có nhiều lý do. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ đề nghị và chỉ đạo của NHNN về xem xét giảm lãi suất cho vay, còn có lý do nữa là hiện nay thanh khoản hệ thống tại các ngân hàng dồi dào, tín dụng mặc dù có tăng trưởng hơn so với cuối năm ngoái nhưng vẫn chậm. Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh BR-VT cho biết: Tính đến cuối tháng 3-2018, tổng nguồn vốn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt 122.120 tỷ đồng, tăng 2,37% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm có mức tăng trưởng cao, đạt 73.490 tỷ đồng, tăng 4,24% so với đầu năm, chiếm 60,18% tổng nguồn huy động.
LÃI SUẤT CHO VAY SẼ KHÓ GIẢM
Đợt giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua đã khiến không ít DN và người tiêu dùng thắc mắc về mức lãi suất cho vay thời gian tới có giảm không. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãi suất cho vay sẽ khó giảm, vì nếu giảm được thì phải có sự hỗ trợ từ nhiều chính sách như phát triển thị trường vốn để giảm áp lực cho tín dụng, có giải pháp ngăn chặn đầu cơ bất động sản, giữ ổn định VND…
Về phía các ngân hàng cũng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay đang rất khó khăn. Hồi đầu năm nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5%- 1%/năm nên sẽ khó có đợt giảm tiếp theo chỉ trong thời gian ngắn như vậy. Bởi, để tính toán giảm lãi suất các ngân hàng phải dựa trên dòng vốn đầu vào, đầu ra chứ không phải nói giảm là giảm ngay được. Nhận định về lãi suất cho vay từ nay đến hết năm 2018, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho rằng, xu hướng vẫn ổn định so với năm 2017. Theo ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc VietinBank, Chi nhánh BR-VT, sở dĩ lãi suất khó giảm hơn so với năm 2017 là do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra còn ở mức thấp so với khu vực. Lạm phát trong 3-4 năm gần đây đã ổn định và khó có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, nợ xấu của các ngân hàng còn cao, vẫn cần tăng trích lập dự phòng rủi ro, lấy lợi nhuận để bù đắp khoản vốn bị mất nên lãi suất khó giảm.
Bài, ảnh: PHAN HÀ