Thành lập Trung tâm kiểm tra hàng hóa chuyên ngành tại Cái Mép - Thị Vải: Tăng sức hút cho cụm cảng
Theo đánh giá của các DN xuất nhập khẩu, việc thiếu Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới việc thu hút nguồn hàng về cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV).
Việc thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành sẽ rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa tại cảng Cái Mép - Thị Vải.
Trong ảnh: Vận chuyển hàng container tại cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT). |
Theo Cục Hải quan tỉnh, hiện có khoảng 20 mặt hàng có số lượng xuất nhập khẩu (XNK) lớn thường xuyên thông qua cụm cảng CM-TV như: Lúa mì, bắp hạt, phân bón, gỗ, sắt thép, xe ô tô, xe máy… đều thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Ông Trần Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết, việc xây dựng đưa vào hoạt động các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung làm việc ngay tại cửa khẩu (địa điểm “một cửa” tư vấn giải quyết các vấn đề liên quan đến kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc thực hiện các việc liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Qua đó, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho DN, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy việc trao đổi thông tin, phối hợp công tác giữa các đơn vị liên quan tại cửa khẩu. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chưa có một Trung tâm kiểm tra hàng hóa chuyên ngành tập trung (tập trung các cơ quan kiểm tra về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động, thực vật, an toàn thực phẩm) đã dẫn tới việc kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, tốn kém thêm chi phí cho DN và giảm hiệu suất khai thác cảng. Hầu hết các DN XNK đều phải gửi mẫu ra Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra, trong khi đó thời gian chờ đợi kéo dài từ 10-30 ngày, ngoài tốn kém thêm chi phí lưu kho thì việc chậm trễ các đơn hàng cũng khó tránh khỏi.
Theo các DN XNK, việc thành lập Trung tâm kiểm tra hàng hóa chuyên ngành là nhu cầu bức thiết. Ông Nguyễn Minh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho biết, tại cụm cảng CM-TV, hàng phải kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 70% khối lượng hàng hóa. Các mặt hàng cần kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, kiểm tra chất lượng xe máy chuyên dùng, sắt thép… khi về tới CM-TV, các DN phải đem mẫu đến TP.Hồ Chí Minh hoặc gửi ra Hà Nội để chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành. Thời gian thường mất từ 10-30 ngày mới có kết quả. Trong thời gian đó, do hàng phải lưu lại cảng chờ kết quả kiểm tra nên DN phải tốn thêm chi phí tiền lưu kho từ 100 USD/container/ngày (tùy mặt hàng). Đây chính là nguyên nhân các DN “ngại” khi làm hàng tại cảng CM-TV nên về thẳng cảng Cát Lái. Nếu có Trung tâm kiểm tra hàng hóa chuyên ngành tập trung thì sẽ rút ngắn thời gian thông quan từ 30-50%, giúp DN giảm các chi phí không cần thiết.
Tại Thông báo số 386/TB-VPCP ngày 21-8-2017 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành và địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung tại khu vực cảng CM-TV nêu rõ: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế nghiên cứu triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại khu vực cảng, tạo thuận lợi để chủ hàng thực hiện các thủ tục hành chính cho hàng hóa XNK tại cảng. Theo đó, mới đây Bộ Tài chính đã có báo cáo Văn phòng Chính phủ cho biết, việc thành lập thêm địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung mới tại cảng CM-TV cần được nghiên cứu kỹ dựa trên đánh giá tình hình XNK, lượng hàng hóa thường xuyên làm thủ tục tại cảng, tình hình thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn tỉnh và năng lực các đơn vị thực hiện kiểm tra chuyên ngành tham gia. Đồng thời, việc xây dựng địa điểm mới tại cảng CM-TV với sự đầu tư thiết bị, máy móc, nhân lực để thực hiện kiểm tra chuyên ngành tập trung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần phải tính toán kỹ về quy mô, kinh phí và hiệu quả mang lại. Hiện Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Hải quan BR-VT phối hợp với các cơ quan và các đơn vị thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại địa phương để rà soát, đánh giá sự cần thiết thành lập cũng như quy mô, địa điểm triển khai.
Được biết, ngày 15-3-2018, Sở GT-VT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát 3 khu vực dọc theo đường liên cảng CM-TV, đường 965 và tìm được 33 vị trí tiềm năng để thành lập Trung tâm. Theo đó, Sở GT-VT đã tham mưu UBND tỉnh chọn vị trí trong KCN Phú Mỹ II với diện tích 5ha để thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tại khu vực CM-TV.
Với những động thái tích cực từ tỉnh và các cơ quan chức năng, các DN xuất nhập khẩu hy vọng từ nay đến cuối năm 2018, Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tại khu vực CM-TV sẽ được đầu tư và đi vào hoạt động tạo điều kiện cho DN giảm chi phí và đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN