.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần có chiến lược toàn diện để thúc đẩy xuất khẩu

Cập nhật: 18:35, 23/04/2018 (GMT+7)

Sáng 23-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến tìm giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG HIẾU
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG HIẾU

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước. Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu BR-VT.

Tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành công thương. Năm 2017, Việt Nam có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD… Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.

Tại BR-VT, năm 2017, xuất khẩu của tỉnh đạt được mức tăng trưởng ấn tượng với tổng kim ngạch trừ dầu thô đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 15,75% so với năm 2016, vượt mốc 3,8 tỷ USD theo kế hoạch đề ra từ đầu năm. Các nhóm hàng CN-TTCN vẫn tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu chính của tỉnh, với giá trị xuất khẩu đạt hơn 3,4 tỷ USD, chiếm 85,24% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô; tiếp đến là nhóm thủy sản chiếm 10% với 398,37 triệu USD, tăng 4,67% so với năm 2016…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần có chiến lược toàn diện để thúc đẩy xuất khẩu chứ không phải chắp vá trong phát triển. Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và DN cần tập trung vào 8 nhóm giải pháp chính để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Thứ nhất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu thông qua việc đẩy mạnh hỗ trợ DN trong nước sản xuất hàng xuất khẩu; liên kết chặt chẽ với các DN FDI để nâng cao năng lực sản xuất và giá trị hàng hóa xuất khẩu. Thứ hai, loại bỏ các điểm nghẽn xuất khẩu, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý; tháo gỡ khó khăn về kiểm tra chuyên ngành, hải quan, giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN. Thứ ba, xây dựng hệ thống logistics, hậu cần hiện đại với chi phí rẻ hơn. Thứ tư, tìm kiếm, mở rộng thị trường; tăng cường cung cấp thông tin thị trường tốt hơn; xử lý các vấn đề phát sinh về chống trợ cấp, chống bán phá giá, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Thứ năm, Thủ tướng yêu cầu các DN cần thâm nhập mạnh hơn vào các kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ như AEON, Lotte, Big C… bằng cách tăng năng lực cạnh tranh cả về chất lượng, giá bán. Thứ sáu, Bộ NN-PTNT và các tỉnh phải tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm xuất khẩu sản phẩm thô, ít giá trị. Thứ bảy, sản xuất công nghiệp phải đi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị cho các ngành hàng thế mạnh của nước ta như dệt may, da giày… Thứ tám, phải có các giải pháp cụ thể, riêng biệt với từng thị trường; tiếp tục mở rộng và khai thác tiềm năng của các thị trường đã có FTA; đàm phán mở thêm các thị trường mới… Nêu rõ một số quan điểm chỉ đạo trong xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, cần chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế, củng cố quan hệ hợp tác với các nước để phát triển thị trường bền vững. Phát huy mọi tiềm năng, khai thác lợi thế so sánh của Việt Nam để tăng nhanh xuất khẩu, cả số lượng, chất lượng và giá trị gia tăng hàng hóa với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 15-20%. Cùng với đó, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu. Các địa phương phải quan tâm chỉ đạo, từ kiểm tra, kiểm soát chất lượng đến địa điểm làm logistics, đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu. Những địa phương có đầu ra là xuất khẩu phải tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.

 ĐÔNG HIẾU

.
.
.