.

Người nuôi gà công nghiệp lo lắng vì giá giảm sâu

Cập nhật: 18:14, 13/03/2018 (GMT+7)

Từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, giá gà công nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục lao dốc, hiện chỉ còn trên dưới 20 ngàn đồng/kg, khiến nhiều người nuôi lao đao. Nguyên nhân là do sức tiêu thụ thịt gà yếu, trong khi nguồn cung lại rất dồi dào, nhất là thịt gà nhập khẩu. Trước tình hình này, người chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh đang từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống, hướng đến chăn nuôi an toàn, bền vững hơn.

NGƯỜI NUÔI GÀ ĐỨNG NGỒI KHÔNG YÊN

Ông Hoàng Văn Thành (ấp Bà Rịa, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) cho gà ăn. 
Ông Hoàng Văn Thành (ấp Bà Rịa, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) cho gà ăn. 

Ông Hoàng Văn Thành (ấp Bà Rịa, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) đang nuôi 10.000 con gà công nghiệp lông vàng và 5.000 con gà công nghiệp lông trắng. Những ngày này, ông Thành như “ngồi trên đống lửa” do giá gà xuống rất thấp. Ông Thành cho biết, thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán Mậu Tuất, giá gà khá cao: gà lông trắng 40.000-41.000 đồng/kg, gà lông vàng 35.000 -37.000 đồng/kg nên người nuôi có thu nhập khá. Tuy nhiên, gần đây, giá gà đột ngột giảm rất mạnh. Cụ thể, giá gà lông trắng giảm một nửa, hiện chỉ còn 19.000 -20.000 đồng/kg, gà lông vàng giảm xuống còn 28.000-30.000 đồng/kg. “Với mức giá này, sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, thuốc men, tôi lỗ từ 2.000-4.000 đồng/kg gà lông vàng và 10.000 đồng/kg gà lông trắng. Đó là chưa kể chi phí sửa sang chuồng trại và công lao động của gia đình”, ông Thành lo lắng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Nam (chủ trang trại gà công nghiệp quy mô 10 ngàn con tại thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cũng đang đứng ngồi không yên do giá gà công nghiệp liên tục lao dốc trong thời gian gần đây. Theo tính toán của ông Nam, mỗi con gà giống giá 10.000 đồng. Để xuất bán (trọng lượng từ 1,5-1,8kg/con, nuôi trong vòng 60 ngày), mỗi con gà lông vàng tiêu thụ hết 4kg cám, gà lông trắng tiêu thụ 1,7-2kg cám. Với giá cám hiện nay 240.000-250.000 đồng/bao 25kg, cộng với tiền vắc xin, chuồng trại, chi phí cho 1kg gà lông trắng 25.000-26.000 đồng, gà lông vàng 30.000-32.000 đồng. Với việc giá gà lông trắng giảm chỉ còn 19.000-20.000 đồng/kg, gà lông vàng 28.000-30.000 đồng/kg, lứa gà này, ông Nam lỗ khoảng 60 triệu đồng.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay, tổng đàn gà công nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 1,2 triệu con. Nguyên nhân khiến giá gà giảm mạnh là do sau Tết, nhu cầu thịt gà của người dân giảm, trong khi nguồn cung lại rất dồi dào. Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng khiến cho gà công nghiệp trong tỉnh khó tiêu thụ là giá gà nhập khẩu bán trên thị trường rất thấp nên gà nội không thể cạnh tranh. Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, đùi gà, cánh gà nhập khẩu chỉ có giá 15.000-16.000 đồng/kg.

THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC CHĂN NUÔI

Ông Trần Văn Trường (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cho gà ăn.
Ông Trần Văn Trường (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cho gà ăn.

Ông Huỳnh Hữu Tình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc cho biết, thời gian qua, giá gà biến động quá lớn khiến người nuôi lỗ nặng. Do đó, hiện nay, nông dân trên địa bàn xã khá dè dặt, thận trọng trong việc thả nuôi đợt mới. Nhiều hộ nuôi gà công nghiệp đã treo chuồng, chuyển đổi ngành nghề hoặc giảm số lượng nuôi. Thời điểm này, tổng đàn gà trên địa bàn xã khoảng 180.000 con, giảm 70.000 con so với đầu năm 2017. “Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu” ở 10 hộ dân trên địa bàn xã với tổng đàn 40.000 con. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, qua đó thay đổi tập quán chăn nuôi của nông dân theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng giá trị sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ… để vơi bớt nỗi lo giá cả lên xuống thất thường”, ông Huỳnh Hữu Tình nói.

Hiện nay, bên cạnh việc tìm hiểu kỹ thị trường trước khi tái đàn, thay đổi kỹ thuật chăn nuôi…, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng chọn biện pháp nuôi gia công cho các DN lớn để tránh rủi ro về giá cả hay dịch bệnh. Ông Trần Văn Trường (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) đang nuôi gia công 30.000 con gà công nghiệp lông vàng cho Công ty TNHH Chăn nuôi Bình Minh (Đồng Nai). Ông Trường cho biết, khi nhận nuôi gia công, công ty cung cấp toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc men... Người nuôi ký cam kết xuất chuồng đúng thời điểm, gà đạt trọng lượng theo quy định. “Nếu gà đạt các tiêu chí đề ra, mỗi lứa, tôi sẽ nhận được 150 triệu đồng tiền công nuôi. Sau khi trừ chi phí nhân công, chuồng trại, tôi lãi hơn 100 triệu đồng/lứa. Bên cạnh đó, nếu gà có trọng lượng tốt, tôi có thể nhận thêm tiền thưởng theo quy định trong hợp đồng”, ông Trường thông tin thêm.

Ghi nhận cho thấy, nuôi gia công thu lãi ít hơn nhưng người nuôi gà không phải bận tâm về giá cả, dịch bệnh… Do đó, ngày càng có nhiều người chọn phương thức nuôi này.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, với việc giá gà lên xuống thất thường, người nuôi cần xem xét, khảo sát kỹ thị trường trước khi tái đàn. Bên cạnh đó, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, gà dễ mắc phải một số bệnh nguy hiểm. Do đó, người nuôi cần phải nắm kỹ thuật phòng bệnh để giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra dịch. Ông Trần Anh Tuấn khuyến cáo: “Trong xu thế phát triển của nông nghiệp hiện nay, nông dân cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn hướng đến xuất khẩu”.

Bài, ảnh: QUANG VINH

 

.
.
.