.

Báo động nguy cơ "ô nhiễm trắng"

Cập nhật: 19:17, 12/03/2018 (GMT+7)

“Ô nhiễm trắng” là cụm từ các nhà khoa học ví von về ô nhiễm do túi ni lông gây ra. Tại BR-VT, mỗi ngày phát sinh khoảng gần 800 tấn rác sinh hoạt, trong đó, tỷ lệ rác là túi ni lông chiếm khoảng 8%. Do chưa có công nghệ xử lý hoặc tái chế túi ni lông, nên nguy cơ ô nhiễm từ loại rác này rất cao.

Tiểu thương chợ Phước Hải (huyện Đất Đỏ) sử dụng túi ni lông để đựng rau cho khách. Ảnh: QUANG VŨ
Tiểu thương chợ Phước Hải (huyện Đất Đỏ) sử dụng túi ni lông để đựng rau cho khách.

Sử dụng túi ni lông để đựng đồ đã trở thành thói quen của nhiều người. Đi chợ mua mớ rau, con cá, trái cây hay chỉ vài quả chanh, trái ớt cũng đều được cho riêng vào từng túi ni lông. Chị Lê Thị Hà, bán rau ở chợ Năm Tầng (TP. Vũng Tàu) cho biết, do túi ni lông tiện lợi, giá rẻ nên chị vẫn sử dụng để đựng rau, củ, quả cho khách. Trung bình mỗi ngày, chị Hà sử dụng 50-70 túi ni lông lớn nhỏ khác nhau. Thậm chí có những hôm bán được nhiều hàng chị phải dùng đến cả trăm cái. Để tiện cho việc buôn bán, chị Hà thường mua túi ni lông đóng gói, mỗi gói 50-550 chiếc, giá từ 15.000-37.000 đồng/kg.

Đối với người tiêu dùng, nhất là các chị em làm nội trợ cũng thường xuyên sử dụng túi ni lông vì sự tiện lợi. Chị Nguyễn Thị Gấm (nhà ở khu phố 2, phường 10, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Bình quân mỗi ngày đi chợ về là tôi có từ 5-6 túi ni lông các loại. Túi đựng rau, túi đựng trái cây, túi đựng thịt, cá, túi đựng các loại gia vị… Sau khi sơ chế thức ăn xong thì số túi này được vứt bỏ vào thùng rác”.

Tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt của Công ty TNHH Kbec Vina (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành), mỗi ngày có 700 tấn rác được đưa về đây xử lý, trong số này chiếm một phần không nhỏ là túi ni lông. Theo Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh BR-VT, hiện nay, tại BR-VT chưa có công nghệ tái chế túi ni lông, việc phân loại rác tại nguồn cũng chưa triển khai thực hiện, do đó, túi ni lông vẫn được chôn lấp chung với các loại rác thải khác.

Trong khi đó, theo các nhà khoa học, túi ni lông được làm từ những chất khó phân hủy. Sự tồn tại của túi ni lông trong môi trường còn gây ô nhiễm thứ cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi ni lông lẫn vào đất sẽ ngăn cản ô xy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, từ đất và nước bị ô nhiễm bởi túi ni lông sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Ô nhiễm môi trường do chất thải túi ni lông hiện được các nhà môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

Thu gom ve chai ở bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt của Công ty TNHH Kbec Vina – nơi mỗi ngày có hàng chục tấn túi ni lông phát sinh đang được chôn lấp.
Thu gom ve chai ở bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt của Công ty TNHH Kbec Vina – nơi mỗi ngày có hàng chục tấn túi ni lông phát sinh đang được chôn lấp.

Để hạn chế sử dụng túi ni lông, năm 2014, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, DN trên địa bàn tỉnh phải thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của túi ni lông đối với môi trường. Từ đó đến nay, đã có nhiều tổ chức, đơn vị, DN và cá nhân thực hiện hạn chế sử dụng túi ni lông. Bà Nguyễn Thị Hương (khu phố 3, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) cho biết, trước đây mỗi lần đi chợ, bà sử dụng đến 5-7 túi ni lông, mỗi túi đựng các loại rau, thịt, cá, tôm, trái cây… Thậm chí, một vài loại thức ăn tươi sống tanh hôi còn được bọc trong 2-3 lớp túi ni lông.

Từ năm 2014 đến nay, khi được Hội LHPN phường Phước Nguyên và Chi hội Phụ nữ khu phố 3 phát động phong trào “Hạn chế sử dụng túi ni lông, bảo vệ môi trường”, bà Hương đã nhận thức được rõ hơn về những tác hại do túi ni lông gây ra. Từ đó, mỗi lần đi chợ bà đều xách theo giỏ nhựa để đựng các loại rau, củ, quả, thịt, cá… “Lúc đầu cảm thấy bất tiện, nhưng dần dà chị em trong khu phố nhắc nhở nói không với túi ni lông, bảo nhau mang theo giỏ nhựa đi chợ, nên giờ đây tôi đã hạn chế sử dụng ít nhất 4-5 túi ni lông mỗi lần đi chợ”, bà Hương nói.

Trước những tác hại của túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, thời gian qua, các kênh phân phối hiện đại cũng đã tiên phong trong việc triển khai sử dụng túi ni lông bảo vệ môi trường. Tại các hệ thống phân phối lớn như: Co.op Mart, Lotte Mart… đã chuyển một phần sang sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu cho biết, siêu thị hiện đang sử dụng bao bì tự hủy để đựng thực phẩm. Siêu thị còn bán các loại túi vải, thân thiện với môi trường, có thể sử dụng nhiều lần với giá 9.900-13.900 đồng/cái. “Ngoài ra chúng tôi còn có chính sách tặng túi thân thiện với môi trường cho khách hàng sử dụng các sản phẩm của riêng nhãn hàng Choice L; cho khách hàng lần đầu làm thẻ hội viên của siêu thị…”, ông Chiến nói. Theo ông Chiến, để giải quyết thói quen sử dụng túi ni lông, ngoài tích cực tuyên truyền, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất túi thân thiện với môi trường... Hiện nay, thuế bảo vệ môi trường áp dụng cho túi ni lông còn quá thấp nên chưa hạn chế được việc sản xuất, sử dụng.

Theo Sở TN-MT, việc sử dụng túi ni lông bừa bãi sẽ khiến môi trường sống bị đe dọa bởi thời gian phân hủy trong điều kiện môi trường tự nhiên của túi ni lông có thể là 500 năm, thậm chí lên đến 1.000 năm. Nghiêm trọng hơn, nhiều loại túi ni lông được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.