.

Khơi thông nguồn vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 18:28, 15/03/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, việc huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi nên khả năng thanh khoản tốt. Hiện nay, nguồn vốn cho vay tại các ngân hàng rất dồi dào, nhưng dư nợ tín dụng còn đạt thấp, nhiều ngân hàng đang thừa tiền. Trước tình hình này, các ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp để khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh.

HÀNG NGÀN TỶ ĐỒNG CHỜ CHO VAY

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Vũng Tàu (đường Trần Hưng Đạo, TP.Vũng Tàu).
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Vũng Tàu (đường Trần Hưng Đạo, TP.Vũng Tàu).

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Mỹ (huyện Tân Thành) cho biết: BIDV Phú Mỹ có lợi thế nằm trên địa bàn tập trung nhiều DN, tuy nhiên công tác phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng gặp không ít khó khăn. Trong năm 2017 vừa qua, tổng nguồn vốn huy động của đơn vị đạt 3.730 tỷ đồng, nhưng dư nợ cho cho vay chỉ đạt 2.587 tỷ đồng.

Tương tự, tại Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) Chi nhánh BR-VT, ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Giám đốc Agribank BR-VT cũng cho hay, tính đến cuối năm 2017, Chi nhánh huy động được 13.008 tỷ đồng, trong khi chỉ cho vay được 6.924 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh BR-VT, tính đến cuối tháng 2-2018, tổng nguồn vốn mà các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh huy động được 120.370 tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm 2018. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng chỉ đạt 60.100 tỷ đồng.

Trước tình hình thanh khoản tại các ngân hàng dồi dào như trên, để khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, nhiều ngân hàng đã áp dụng phương thức cho vay mới không dựa vào tài sản thế chấp mà dựa vào quan hệ tín dụng chặt chẽ giữa ngân hàng và DN trên cơ sở quản lý được dòng tiền, tài chính công khai minh bạch; đồng thời hạ lãi suất cho vay. Cụ thể, các ngân hàng đã giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn; áp dụng chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1% so với lãi suất cho vay thông thường; tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN... Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tung ra nhiều sản phẩm tín dụng hấp dẫn, đẩy mạnh hướng đến đối tượng khách hàng cá nhân vay tiêu dùng.

Theo các chuyên gia kinh tế, dự báo thanh khoản ngân hàng vẫn sẽ được duy trì tốt trong thời gian tới. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm khách hàng DN  có “sức khỏe tốt”, các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI VỚI DN

Hiện nay, nhiều DN có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất giày, dép tại Công ty HS Vũng Tàu  (Số 844, Bình Giã, TP. Vũng Tàu). (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Hiện nay, nhiều DN có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất giày, dép tại Công ty HS Vũng Tàu (Số 844, Bình Giã, TP. Vũng Tàu). (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh BR-VT nhận định, nhu cầu vay vốn của các DN trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn rất lớn. Để khơi thông nguồn vốn tín dụng, đề nghị tỉnh tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp cận các dự án mới có tiềm năng đầu tư vào tỉnh.

 Còn ông Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc BIDV Chi nhánh Phú Mỹ đề nghị tỉnh khuyến khích các chủ đầu tư, nhà thầu sử dụng một phần vốn tại các tổ chức tín dụng địa phương; đồng thời tăng cường kết nối cho DN và ngân hàng gặp gỡ, trao đổi nhiều hơn và có tính định kỳ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Gia Hồng, Giám đốc Ngân hàng Phát triển TP.Hồ Chí Minh, Chi nhánh Vũng Tàu kiến nghị tỉnh cần có phương án xử lý các dự án chậm triển khai. Vì hiện nay, nhiều người dân trong vùng quy hoạch không thể thế chấp đất đai, nhà cửa để vay vốn.

 Nhiều ngân hàng khác cũng kiến nghị, hàng năm, tỉnh nên công khai quy hoạch các dự án để tạo điều kiện cho chủ đầu tư - nhà thầu - ngân hàng nắm bắt và xây dựng kế hoạch nguồn vốn cho các dự án. Song song đó, tỉnh tiếp tục cải thiện thủ tục pháp lý đất đai, thủ tục cấp quyền sở hữu công trình để các DN hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho thế chấp tài sản, giải ngân vốn vay.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank chí nhánh Vũng Tàu.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank chí nhánh Vũng Tàu.

Phát biểu tại hội nghị quán triệt nhiệm vụ ngân hàng năm 2018 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh BR-VT tổ chức hôm 8-3 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao hoạt động của ngành ngân hàng. Đồng chí Nguyễn Thành Long khẳng định, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng phát triển; đồng thời đề nghị các ngân hàng tiếp tục chủ động tiếp cận với chủ đầu tư, các dự án để hướng dẫn, hỗ trợ về thủ tục, hồ sơ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm 2018; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN, tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn ngân hàng; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại để theo kịp xu hướng phát triển mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; chú trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn để hạn chế những rủi ro, tiêu cực, tội phạm từ mặt trái của công nghệ số...

Bài, ảnh: PHAN HÀ

Thời gian qua, nguồn vốn huy động tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh BR-VT liên tục tăng, dư nợ cho vay cũng có nhiều cải thiện, tỷ lệ nợ xấu giảm hẳn. Đây là tín hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, hiện dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn chỉ đạt 50-60% vốn huy động là chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Do đó, thời gian tới, các ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục để khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

(Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

 

 

.
.
.