Đồng ý chủ trương xây dựng Đề án thành lập thị trấn Kim Long
* Làm rõ tình hình thua lỗ tại DNNN và DN có vốn nhà nước
Ngày 14-3, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cho ý kiến về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thị trấn Kim Long, huyện Châu Đức.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy. |
Theo đó, thị trấn Kim Long được xây dựng trên cơ sở xã Kim Long hiện hữu. Đây là trung tâm cụm xã phía Bắc huyện Châu Đức, bao gồm các xã: Xà Bang, Cù Bị, Láng Lớn, Quảng Thành và Kim Long.
Xã Kim Long có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua như: QL56 nối tỉnh BR-VT với Đồng Nai, nối QL1 với QL51 và có các tuyến đường liên xã Kim Long - Quảng Thành, Kim Long - Láng Lớn. Trung tâm xã Kim Long cách thị trấn Ngãi Giao khoảng 7km về phía Nam, cách TX.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai khoảng 30km về phía Bắc, cách TP.Bà Rịa khoảng 25km.
Hiện nay, xã Kim Long đã được công nhận là đô thị loại V theo quyết định số 975/2017 của UBND tỉnh BR-VT. Việc thành lập thị trấn Kim Long sẽ tạo điều kiện để phát triển tối đa các tiềm năng và lợi thế hiện có, thu hút đầu tư phát triển của địa phương, đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ phát triển thương mại dịch vụ.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, các tiêu chí theo quy định đều đạt, do đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương xây dựng Đề án thành lập thị trấn Kim Long.
* Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nghe Sở Tài chính báo cáo tình hình tài chính các DNNN và DN có vốn Nhà nước.
Theo báo cáo, tính từ thời điểm bắt đầu CPH (năm 2002) đến ngày 31-12-2016 UBND tỉnh đã cổ phần hóa 38 DN. Tổng số tiền phải nộp về Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hơn 952 tỷ đồng, hiện đã nộp về SCIC hơn 861 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ngành Tài chính, trong mấy năm gần đây, một số DNNN và DN có vốn Nhà nước của tỉnh hoạt động không hiệu quả. Lợi nhuận và đóng góp cho ngân sách liên tục giảm. Thậm chí, tổng nợ của các DN này cũng tăng, có những DN có số sợ thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng, khó có khả năng trả nợ.
Theo kế hoạch sắp xếp, thoái vốn DN giai đoạn 2017-2020, các DN phải thoái một phần vốn Nhà nước gồm: Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu; Công ty CP Dịch vụ đô thị Bà Rịa; Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Châu Đức; Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu; Công ty CP Công trình giao thông; Công ty CP Cao su Thống Nhất; Công ty CP Cấp nước; Công ty CP Công trình đô thị Tân Thành. Ngoài ra, có 7 DN phải thoái hết vốn Nhà nước trong giai đoạn 2017-2020.
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu ngành chức năng phải chỉ rõ nguyên nhân thua lỗ tại các DNNN và DN có vốn Nhà nước để có hướng xử lý trong thời gian tới. Đồng thời, rà soát lại chất lượng đội ngũ cán bộ trong các DNNN, bảo đảm đủ năng lực để lãnh đạo, quản trị DN phát triển một cách bền vững.
Tin, ảnh: QUANG VŨ - PHAN HÀ