.

Nhiều ngân hàng lãi lớn

Cập nhật: 22:12, 07/01/2018 (GMT+7)

Theo đánh giá độc lập của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2017 khá khả quan với lợi nhuận sau thuế của hệ thống ước tăng 44,5% so với năm trước.

Một trong những ngân hàng lãi lớn trong năm 2017 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo đại diện BIDV, năm nay ngân hàng đã hoàn thành vượt nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, tính đến ngày 31-12-2017, tổng tài sản của BIDV tăng trưởng 16,7% so với năm 2016, tiếp tục là một trong những ngân hàng TMCP có quy mô lớn nhất Việt Nam. Trong năm 2017, tổng nguồn vốn huy động của BIDV đạt trên 1.106 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 17,9% so với 2016; trong đó tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư đạt trên 934 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 17,4%, chiếm 12,5% huy động vốn toàn ngành ngân hàng.

Điểm đáng chú ý trong công bố này là chênh lệch thu chi năm 2017 của BIDV đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay là 24.032 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với 2016. Sau trích lập dự phòng và các khoản khác, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 8.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu của Đại hội đồng cổ đông đề ra và là con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng BIDV, Chi nhánh BR-VT. Ảnh: THU THẢO
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng BIDV, Chi nhánh BR-VT.
Ảnh: THU THẢO

Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã công bố mức lợi nhuận kỷ lục lên tới 10.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016, vượt 8,7% so với kế hoạch năm đề ra (9.200 tỷ đồng). Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng đưa ra con số dự kiến trong năm vừa qua.

Năm 2017, Vietcombank được đánh giá đạt mức tăng trưởng quy mô, hiệu quả kinh doanh cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên xử lý sạch nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước thời hạn 3 năm, hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, minh bạch đưa nợ xấu về một sổ và chính thức kiểm soát, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đạt mức lợi nhuận trước thuế 2.420 tỷ đồng. Còn Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) mới đây cho biết lợi nhuận cả năm 2017 đạt 1.205 ngàn tỷ đồng, vượt 55,6% so với kế hoạch năm và tăng trưởng 70,5% so với lợi nhuận năm trước. TPBank nổi bật trong bức tranh toàn ngành với mức tăng trưởng lợi nhuận trên 70%. Tổng tài sản của ngân hàng này cũng đạt trên 124.000 tỷ đồng, tăng gần 18%. Tín dụng đạt 71.295 ngàn tỷ đồng, tăng gần 22% so với năm 2016 và vượt 3% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ nợ xấu tại TPBank đến cuối năm được kiểm soát ở mức 0,87%, và là một trong các ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất trên thị trường.

Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC), luỹ kế 11 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đạt 1.056 tỷ đồng, hoàn thành 141% kế hoạch cả năm. Tổng tài sản tăng 10% so với đầu năm lên 115 ngàn tỷ đồng với tổng tín dụng tăng khoảng 19% so với đầu năm đạt 80,2 ngàn tỷ đồng và tổng huy động tăng 27% so với đầu năm đạt 77,8 ngàn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 11 là 2,78%, tăng nhẹ từ 2,36% vào cuối tháng 9.

HSC dự báo lợi nhuận trước thuế trong năm 2017 của VIB sẽ đạt khoảng 851,4 tỷ đồng, tăng trưởng 21,2% so với năm trước. Chỉ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) ước tính 11,9%.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ hệ thống các ngân hàng đạt được mức lợi nhuận cao trong năm 2017 là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ tín dụng (tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 ở mức khoảng 18%). Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã thực hiện hiệu quả tái cơ cấu và quản trị rủi ro. Từ kết quả kinh doanh năm 2017, và tình hình tăng trưởng tín dụng những năm gần đây, các chuyên gia dự báo, trong năm 2018, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục một năm làm ăn hiệu quả.

T. MINH

.
.
.