.

Không lơ là việc phòng bệnh cho gia cầm

Cập nhật: 18:48, 04/01/2018 (GMT+7)

Theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi và thú y, thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán 2018, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên gia cầm luôn tiềm ẩn. Vì vậy, các hộ chăn nuôi gia cầm cần chú trọng tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

NHIỀU NGUY CƠ XẢY RA DỊCH BỆNH

Trang trại nuôi gà tam hoàng số lượng 16 ngàn con của ông Trần Hưng Đạo (xã Tóc Tiên,  huyện Tân Thành).
Trang trại nuôi gà tam hoàng số lượng 16 ngàn con của ông Trần Hưng Đạo (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành).

Ông Bùi Quang Tuấn, Trưởng phòng Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, đến cuối năm 2017, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh gần 5,2 triệu con, được nuôi tại hơn 43 ngàn hộ, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2016. Số lượng đàn gia cầm tăng nhưng hình thức chăn nuôi vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, với khoảng 98% nuôi theo hình thức gia đình, gia trại nên mức độ an toàn sinh học thấp, gia cầm có nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh cao. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ thay đổi đột ngột trong ngày làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm. Thêm vào đó, hiện nay, công tác kiểm soát dịch bệnh tại các hộ nuôi, cơ sở giết mổ cũng như tại các trạm kiểm dịch cửa ngõ của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Anh Nguyễn Minh Lý, chủ trang trại nuôi gà ta thả vườn tại xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành) cho biết, với 10 năm kinh nghiệm nuôi gà, anh nhận thấy, thời điểm cuối năm, đàn gà rất dễ bị bệnh. Trong khi đó, số lượng đàn gia cầm giai đoạn này lại tăng mạnh để phục vụ thị trường Tết nên nếu xảy ra dịch bệnh thì người nuôi sẽ bị thua lỗ nặng.

CẦN CHỦ ĐỘNG PHÒNG DỊCH BỆNH 

Cán bộ Trạm Thú y huyện Long Điền tiêm vắc xin cúm A/H5N1 cho đàn vịt tại xã Tân Phước (huyện Long Điền).
Cán bộ Trạm Thú y huyện Long Điền tiêm vắc xin phòng cúm A/H5N1 cho đàn vịt tại xã Tam Phước (huyện Long Điền).

Ông Trần Đức Quân, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, hiện nay, nhiều hộ nuôi gia cầm ít quan tâm đến công tác phòng chống dịch. Người dân chỉ tiêm phòng, thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng khi đàn gia cầm có dấu hiệu nhiễm bệnh. Vì vậy, để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra, thời gian qua, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh đã tăng cường phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phát tờ rơi, lồng ghép việc hướng dẫn phòng dịch bệnh tại các buổi hội, họp do thôn, ấp tổ chức để nâng cao nhận thức của bà con. Bên cạnh đó, hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh còn hỗ trợ người dân thực hiện tiêm phòng cho đàn gia cầm.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, một trong những biện pháp hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi hiện nay là người dân nên áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, tuân thủ các quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh của cơ quan thú y và áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho đàn vật nuôi, định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại…

Để bảo đảm không xảy ra dịch bệnh trong thời gian từ nay đến Tết nguyên đán 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý công tác giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở; bám sát cơ sở để theo dõi tình hình dịch bệnh của đàn gia cầm; hỗ trợ người nuôi tiêu độc khử trùng để diệt trừ mầm bệnh tại các cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường kiểm dịch trong vận chuyển, giết mổ gia cầm.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

Tại BR-VT, từ năm 2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai dự án chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh tại 10 hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, với tổng đàn 40 ngàn con. Tham gia dự án, các hộ nông dân được hỗ trợ một phần vắc-xin, thuốc sát trùng, thuốc tẩy ký sinh trùng, tập huấn về quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học, quy trình phòng bệnh và vệ sinh thú y trong chăn nuôi gia cầm… Bà Lê Thị Túy, ở ấp Tân Trung, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, một trong 10 hộ tham gia dự án cho biết, gia đình bà mở trại chăn nuôi gà từ năm 2010 với số lượng gần 15 ngàn con. Trước đây, gia đình bà chỉ chăn nuôi theo kinh nghiệm nên không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh. Từ khi tham gia dự án, đến nay, gia đình bà đã xuất được 2 lứa gà. Theo ghi nhận ban đầu của gia đình, gà nuôi nhanh lớn hơn so với trước đây, tỷ lệ hao hụt thấp, trọng lượng gà đạt từ 2-2,5kg/con sau 35-40 ngày nuôi, không xảy ra dịch bệnh.

 

.
.
.