.

Dư vốn ở các quỹ tài chính

Cập nhật: 20:20, 23/01/2018 (GMT+7)

Hiện nay, có rất nhiều nguồn quỹ ra đời với mục đích để hỗ trợ DN đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do hoạt động của các quỹ bị trùng lặp về mục tiêu và đối tượng phục vụ nên chưa phát huy hết hiệu quả.

TỶ LỆ GIẢI NGÂN ĐẠT THẤP

Trên địa bàn tỉnh hiện có 23 quỹ tài chính do các cơ quan, đơn vị lập hoặc được giao quản lý (bao gồm 11 quỹ phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; 12 quỹ  phục vụ an sinh xã hội), trong đó có 4 quỹ tài chính có vốn và nguồn thu, nhiệm vụ chi lớn là Quỹ Đầu tư phát triển (ĐTPT), Quỹ Phát triển đất (PTĐ), Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) và Quỹ phát triển nhà ở xã hội (PTNƠXH). Tổng số dư của 23 Quỹ tài chính hiện còn hơn 758,9 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung là 4 Quỹ ĐTPT, PTĐ, BVMT và PTNƠXH với số tiền hơn 668,3 tỷ đồng (chiếm khoảng 88,05%).

Quỹ ĐTPT tỉnh năm 2017 có số dư đầu năm lên đến gần 284,6 tỷ đồng. Trong năm 2017, Quỹ đã tích cực tiếp xúc với các dự án để triển khai hoạt động cho vay mới, nhưng hiệu quả chưa cao. Cụ thể, trong năm, quỹ đã cho vay mới hơn 17 tỷ đồng với 3 dự án: Dự án Trường MN hội nhập trẻ khuyết tật Phước An của Công ty TNHH Lan Lộc Tài (cho vay 4 tỷ đồng), Dự án Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Uy Phong của Công ty TNHH Uy Phong Tân Thành (cho vay 9,6 tỷ đồng) và Dự án Thí điểm hoạt động kinh doanh bằng xe chở người bốn bánh có gắn động cơ tại huyện Côn Đảo của DNTN Gas Thu Tâm (cho vay 4 tỷ đồng).

Trường MN Sao Việt đã đi vào hoạt động 3-2016 (tại khu tái định cư 44ha, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) do Công ty TNHH TM-DV-XD  Sao Việt làm chủ đầu tư, một trong 2 dự án đã tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ ĐTPT với số tiền 10 tỷ đồng. Trong ảnh: Cô và trò Trường MN Sao Việt trong giờ ra chơi.
Trường MN Sao Việt đã đi vào hoạt động 3-2016 (tại khu tái định cư 44ha, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) do Công ty TNHH TM-DV-XD Sao Việt làm chủ đầu tư, một trong 2 dự án đã tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ ĐTPT với số tiền 10 tỷ đồng.
Trong ảnh: Cô và trò Trường MN Sao Việt trong giờ ra chơi.

Ngoài ra, Quỹ ĐTPT đã tham gia góp 9,7 tỷ đồng thành lập Công ty CP BLFS để thực hiện đầu tư dự án Trường MN Happy Garden trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành); giải ngân vốn nhận ủy thác từ Quỹ PTĐ tỉnh 42,81 tỷ đồng (tính đến 31-12-2017).

HTX Thái Hùng (TP. Vũng Tàu), một trong những HTX tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ kinh tế tập thể và sử dụng có hiệu quả. Ảnh: THU THẢO
HTX Thái Hùng (TP. Vũng Tàu), một trong những HTX tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ kinh tế tập thể và sử dụng có hiệu quả. Ảnh: THU THẢO

Tương tự, các quỹ còn lại tỷ lệ giải ngân cũng rất thấp. Chẳng hạn, Quỹ BVMT có vốn điều lệ 5 tỷ đồng do Nhà nước cấp khi thành lập năm 2002. Quỹ được sử dụng để hỗ trợ các chương trình, dự án bảo vệ môi trường và các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường; Cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đối với các dự án bảo vệ môi trường. Hàng năm quỹ được Ngân sách Nhà nước cấp vốn bổ sung. Tính đến đầu năm 2017, số dư tại quỹ còn hơn 103 tỷ đồng. Nhưng trong năm 2017, quỹ chỉ giải ngân được 78,674 tỷ đồng cho các dự án bảo vệ môi trường. Trong khi đó, năm 2017, Quỹ PTĐ chỉ mới giải ngân được hơn 53,9 tỷ đồng/100 tỷ đồng số dư đầu năm.

CẦN MỞ RỘNG LĨNH VỰC CHO VAY

Nguyên nhân chính khiến các Quỹ chưa phát huy hết hiệu quả là trùng lặp đối tượng phục vụ. Chẳng hạn, theo quy định, đối tượng vay vốn của Quỹ ĐTPT tỉnh phải thuộc các lĩnh vực: Kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường; Công nghiệp - công nghiệp phụ trợ; Nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; Xã hội hóa hạ tầng xã hội. Thời gian qua, quỹ đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư đang hoạt động trong các ngành nghề nói trên để cho vay. Tuy nhiên, bản thân các nhà đầu tư này lại đang vay vốn ở quỹ khác nên không thể vay vốn thêm ở Quỹ ĐTPT...

Một khó khăn khác là các quy định, quy chế về thời gian vay, đối tượng cho vay cũng đang cản trở hoạt đông của các quỹ. Chẳng hạn, Quỹ Hỗ trợ kinh tế tập thể chỉ hỗ trợ vốn theo thời vụ, chưa hỗ trợ được nhu cầu đầu tư lâu dài cho các HTX. Ngoài ra, quy chế hoạt động của Quỹ chỉ trợ vốn cho các HTX mà không trợ vốn cho các thành viên. Do đó, người trực tiếp sản xuất tại các HTX hiện nay chưa thể tiếp cận trực tiếp nguồn vốn hỗ trợ của quỹ. Trong khi đó, các HTX lại không có tài sản chung để bảo đảm giao dịch nên không tiếp cận được vốn vay...

Ông Vũ Ngọc Ẩn - thành viên của Hội đồng quản trị HTX Quyết Thắng (TP.Bà Rịa) - cho biết: Sau khi được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX đã đầu tư mô hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ vốn quá ngắn (6 tháng), trong khi chu kỳ sản xuất kéo dài 1 năm nên HTX khó xoay xở để trả vốn đúng hạn. Nên chăng, Quỹ Hỗ trợ kinh tế tập thể kéo dài thời gian hỗ trợ cho vay vốn, tạo thuận lợi cho các HTX.  

Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể chỉ mới đáp ứng nhu cầu hỗ trợ vốn hoạt động theo thời vụ và chu kỳ sản xuất cho các cơ sở, chưa hỗ trợ được nhu cầu đầu tư lâu dài cho các HTX. Trong ảnh: Chăm sóc rau tại HTX rau an toàn Thắng Lợi (huyện Long Điền).
Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể chỉ mới đáp ứng nhu cầu hỗ trợ vốn hoạt động theo thời vụ và chu kỳ sản xuất cho các cơ sở, chưa hỗ trợ được nhu cầu đầu tư lâu dài cho các HTX. 
Trong ảnh: Chăm sóc rau tại HTX rau an toàn Thắng Lợi (huyện Long Điền).

Bên cạnh những nguyên nhân trên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, bản thân các quỹ chưa năng động trong tìm kiếm, mở rộng đối tượng cho vay vốn. Ông Trần Phúc Chỉnh, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh cho rằng: Để các quỹ hoạt động hiệu quả, trước hết, cần nghiên cứu sửa đổi điều lệ, quy chế hoạt động đối với các quỹ theo hướng tháo gỡ những khó khăn về: đối tượng cho vay, mức cho vay, thời hạn vay, lãi suất cho vay, cơ chế xử lý các tổn thất và kết hợp được nhiều nguồn vốn đối với một đối tượng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các quỹ cũng cần chủ động tìm kiếm các dự án tiềm năng để cho vay, xây dựng các phương án cho vay phù hợp.

UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và các quỹ tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, tập trung theo từng lĩnh vực hoạt động. Một trong những lưu ý của UBND tỉnh là bảo đảm các quỹ không trùng lắp với mục tiêu hoạt động, nguồn thu, nhiệm vụ chi, các chương trình đề án hiện đang thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách. Đối với các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng lắp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của Ngân sách Nhà nước thì phải xem xét thực hiện chuyển nguồn thu, nhiệm vụ chi vào Quỹ Ngân sách Nhà nước. Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực xã hội cho hoạt động của các quỹ, hạn chế bao cấp từ ngân sách Nhà nước.

(Theo Báo cáo của UBND tỉnh
về hoạt động của các Quỹ trong năm 2017)


Kế hoạch tài chính của các Quỹ năm 2018

Năm 2018, phấn đấu, tổng số thu của 23 quỹ trên địa bàn tỉnh gần 505 tỷ đồng, bằng 137,9%  so với thực hiện năm 2017. Trong đó, nhu cầu cấp và hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khoảng 370 tỷ đồng, bằng 142,3%. Tổng số chi của các quỹ khoảng 355,8 tỷ đồng, bằng 147,2%  so với thực hiện 2017. Số dư của các quỹ đến hết năm 2018 khoảng 1.031 tỷ đồng, bằng 116,8% so với thực hiện 2017.

Bài, ảnh: THU THẢO

.
.
.