Ngư dân Bình Châu mở biển đầu năm
Ngày 21/2 (12 tháng Giêng âm lịch), UBND xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản năm 2024. Đây là nghi lễ truyền thống sau Tết, được biết đến là tục mở biển, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Cán bộ Đồn Biên phòng Bình Châu tuyên truyền chống khai thác IUU, tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác động viên ngư dân bám biển. |
Xuất bến đầu năm
7 giờ sáng, các lão ngư lớn tuổi nhất vùng đã chuẩn bị xôi, gà, vịt, bánh trái, rượu, gạo làm lễ cầu an, cầu may tại cửa biển Bến Lội - nơi tàu thuyền ra vào của địa phương. Sau nghi thức cúng, rước kiệu tại cửa biển, buổi lễ được tiến hành nghi thức cúng, ra quân tại Dinh ông Nam Hải.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Châu, lễ ra quân đánh bắt hải sản là nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm, có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong đời sống tín ngưỡng của ngư dân vùng biển Bình Châu trong những ngày đầu xuân mới.
Nghi lễ thể hiện sự mong mỏi một năm mưa thuận gió hòa, khai thác được nhiều tôm cá, nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho ngư dân, tăng thu nhập cho gia đình.
Đây cũng là dịp ngư dân gặp mặt, thắt chặt tình đoàn kết, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ nhau bám biển mưu sinh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Sau lễ ra quân, hàng trăm tàu cá chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm xuất bến, ra khơi, mang theo hy vọng một năm đánh bắt nhiều thắng lợi”, ông Đặng Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết.
Xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc hiện có 3.562 ngư dân với 784 tàu thuyền, trong đó tàu cá trên 15m đánh bắt vùng khơi là 178 tàu. Xã cũng có 37 tổ đoàn kết với 196 thành viên là chủ tàu cá tham gia đoàn kết đánh bắt hải sản, hỗ trợ nhau trên biển.
Ghe tàu tại cảng Bến Lội - Bình Châu. |
Không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Có mặt tại buổi lễ ra quân đánh bắt hải sản từ rất sớm, ông Phạm Thanh Bình, Trưởng vạn ngư nghiệp xã Bình Châu cho biết, lễ ra khơi đầu năm như giúp ngư dân có thêm động lực, tinh thần bám biển, giữ vững ngư trường. Ngư dân Bình Châu rất tự hào, vì từ năm 2018 đến nay không có tàu cá nào vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài.
Ngư dân Trần Mảy (ấp Thanh Bình 2) có 2 tàu đánh bắt xa bờ với công suất 450 CV/tàu, chuyên nghề câu mực, câu cá thu. Ông cho biết 1 tàu đã đi biển, 1 tàu đang tu bổ, sau lễ qua quân, mở cửa biển cũng sẽ xuất bến. “Năm ngoái, hiệu quả đánh bắt thấp, mỗi tàu tôi bị lỗ gần 1 tỷ đồng. Năm nay, tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nhu yếu phẩm, tu bổ lại tàu với quyết tâm phải gỡ lại năm ngoái”, ông Mảy đặt hy vọng.
Theo ông Đặng Văn Quân, năm 2023 tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống người dân tăng cao, thời tiết không thuận lợi kéo dài, ngư trường đánh bắt hải sản cạn kiệt, ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt của ngư dân. Tổng sản lượng khai thác, đánh bắt hải sản của xã năm 2023 là 13.758 tấn các loại với giá trị đạt hơn 508 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022.
Tại buổi lễ, UBND xã kết hợp với Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong năm 2023, các chủ phương tiện tàu thuyền thực hiện tốt, không có phương tiện nào của địa phương vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài. Nhân dịp này, UBND xã cũng đã trao tặng giấy khen cho 20 ngư dân có thành tích tiêu biểu trong phong trào “Ngư dân bám biển”.
|
Từ năm 2019, tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động khu neo đậu tránh trú bão Bình Châu - Bến Lội, việc lưu thông bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa của ngư dân nhờ đó cũng được thuận lợi hơn. Ghe tàu các tỉnh cũng đến đây neo đậu, tiếp nhiên liệu, lấy hải sản. Có thời điểm, số tàu đánh cá vãng lai của ngư dân ngoài địa bàn vào neo đậu, tránh trú bão lên đến hơn 1.000 chiếc.
Ông Đặng Văn Quân cho biết, năm 2024, UBND xã và các cơ quan chức năng tiếp tục vận động các chủ phương tiện tàu thuyền tham gia đánh bắt hải sản không vi phạm quy định, giữ vững truyền thống, không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Xã cũng vận động ngư dân cải hoán và nâng cấp công suất tàu để vươn khơi bám biển, có được lợi nhuận tốt.
Bài, ảnh: NGỌC MINH – THANH HẢI