Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GT-VT rà soát nội dung quy hoạch cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định rõ quy mô, diện tích sử dụng đất, dự án ưu tiên, bảo đảm hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực...
Dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cảng cạn đến năm 2030 cần khoảng 15,9-18,7 ngàn tỷ đồng và đến giai đoạn năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho cảng cạn có thể lên tới 33,8 ngàn tỷ đồng.
Từ nay đến năm 2025, tập trung, khuyến khích đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng, cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn) và khu vực phía Nam (cảng biển TP.Hồ Chí Minh, khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải), các cảng cạn gắn với các hành lang vận tải qua biên giới. Ưu tiên đầu tư cảng cạn có vị trí kết nối được với 2 phương thức vận tải, các vị trí gắn liền hoặc nằm gần các cụm KCN, khu chế xuất tập trung.
Để có thể thực hiện quy hoạch, giải pháp về huy động vốn đầu tư được đề xuất là mở rộng và đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng cạn bằng các hình thức theo quy định của pháp luật...
TRÀ NGÂN