Logistics Việt Nam định hình hướng đi mới

Thứ Hai, 24/10/2022, 19:47 [GMT+7]
In bài này
.
Thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu nhờ sự “chuyển mình” mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics.
Trung tâm logistics Cái Mép Hạ khi hoàn thiện sẽ giữ vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm cỡ khu vực và thế giới. Trong ảnh: Phối cảnh Trung tâm logistics Cái Mép Hạ.
Trung tâm logistics Cái Mép Hạ khi hoàn thiện sẽ giữ vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm cỡ khu vực và thế giới. Trong ảnh: Phối cảnh Trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Đây là thông tin được nêu ra tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và SEA Logistic Partners (SLP Việt Nam) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh.

Cơ hội bứt phá mới

Cụ thể, tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5% song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 với GDP sau 9 tháng năm 2022 đạt mức 8,83%.

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), có thể kể đến một số tên tuổi lớn trong danh sách 50 công ty logistics lớn nhất thế giới như: Kuehne + Nagel, DHL Supply Chain & Global Forwarding, DSV, DB Schenker, Nippon Express, Expeditors, UPS Supply Chain Solutions hay những gương mặt mới nổi như Maersk Logistics, CEVA Logistics (thuộc CGM-CMA)...

Sự “lên ngôi” của các xu hướng vận chuyển, logistics và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành thị trường mới nổi đầy tiềm năng.

Cùng với đó, xu hướng bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam với một số ông lớn như Shopee, Lazada, Tiki... đã trở thành cơ hội đầy tiềm năng để các tập đoàn đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng kho vận hiện đại đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc phát triển chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, e-Logistics đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Logistics hiện đại trên thế giới hiện nay đã phát triển đến loại hình 4PL (Chuỗi logistics) và 5PL (E-logistics, logistics trên nền thương mại điện tử).

Những yếu tố kể trên cho thấy, cơ hội để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nắm bắt xu hướng, mở rộng hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng thị trường logistics từ tiềm năng thành hiện thực, cần một chính sách tổng thể từ thu hút đầu tư tới cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính... và các cơ quan chức năng xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ.

Bởi dù là một ngành nhiều tiềm năng nhưng thực tế, phần lớn các doanh nghiệp logistics của ta có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế. Sự thiếu liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp cùng lĩnh vực cũng như thiếu tính kết nối giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics đã làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt cũng từng bước chuyển mình, đẩy mạnh đầu tư các cơ sở hạ tầng, kho bãi hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ mới... gia tăng thị phần và tham gia chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù vậy, DN đang bị hạn chế ngay trên chính sân chơi của doanh nghiệp Việt khi chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn phân tán, thiếu tính kết nối giữa các khâu từ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tới lưu trữ kho bãi và quản trị chuỗi cung ứng. Quy mô và phạm vi dịch vụ các trung tâm logistics của  hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp hoặc trong phạm vi mang tính địa phương, chưa phát triển đến quy mô phục vụ một  ngành hoặc một vùng kinh tế.

Hiện cả nước có 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong số đó, hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics quốc tế, 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực. Đồng thời, 89% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.

Chủ động bắt kịp xu hướng

Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới, cần có giải pháp và tầm nhìn tổng thể, định hình hướng đi mới để bắt kịp với xu hướng thế giới, tạo bước đột phá cho phục hồi kinh tế - xã hội trong những năm tới đây.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mới đây, VCCI đã hợp tác cùng VLA khởi động Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (Logistics Competitiveness Index - LCI) Việt Nam 2022. Từ kinh nghiệm của PCI, VCCI sẽ đồng hành cùng VLA triển khai LCI đem đến một “bức tranh” chung về ngành kinh doanh dịch vụ logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Từ đó, giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành này tại các địa phương trên cả nước. Qua đó, LCI là công cụ đắc lực để phản biện chính sách-một trong bốn trụ cột xây dựng nên hệ thống logistics Việt Nam, tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu, và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương mại, Công ty SLP Việt Nam cho hay, nền tảng hệ thống kho bãi của Việt Nam đang có quy chuẩn chưa cao, còn khá nhiều doanh nghiệp logistics chưa cung ứng được sâu chuỗi dịch vụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Ngoài ra, nhu cầu về vị trí kho vận tiệm cận khu vực nội đô (TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội), cũng như nhu cầu xây dựng kho vận quy chuẩn theo hệ thống toàn cầu ngày một tăng cao.

Hơn thế nữa, hệ thống cung cấp các chuỗi dịch vụ logistics thiếu sự tích hợp, chưa áp dụng số hóa trong quản lý, tự động hóa trong vận hành vẫn là khái niệm mới mẻ. Trong khi nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam là rất cao.

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia cho rằng, đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động logistics tại Việt Nam, nhưng thị trường logistics, nhất là thương mại điện tử đặt ra nhiều bài toán vận hành tối ưu hơn, hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Điều này đặt ra cho nhiều doanh nghiệp trong ngành logistics Việt Nam nhu cầu thay đổi và "chuyển mình" theo xu hướng không thể đảo ngược với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi hiện đại, áp dụng quản lý số và tự động hóa trong vận hành, mô hình quản trị ngày càng chuyên nghiệp.

MỸ PHƯƠNG

;
.