.

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng ngành cảng biển, logistics

Cập nhật: 20:05, 10/05/2022 (GMT+7)

Cảng biển phát triển kéo theo nhu cầu lớn về nguồn nhân lực cho ngành này. Tuy nhiên, thị trường lao động chưa đủ đáp ứng.

Nhân viên bộ phận kỹ thuật làm việc tại Cảng TCIT.
Nhân viên bộ phận kỹ thuật làm việc tại Cảng TCIT.

Chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng 

Hơn 10 năm qua, tốc độ phát triển cảng biển tại BR-VT nhanh với nhiều dự án đưa vào khai thác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ 23 cảng biển đi vào hoạt động năm 2010 thì đến đầu năm 2022 số cảng biển đã nâng lên thành 50, chưa kể 69 cảng đã được quy hoạch. Riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) có 35 dự án cảng biển được quy hoạch với diện tích 1.606ha, 24 dự án đang hoạt động, tổng công suất hơn 142 triệu tấn/năm. Hiện CM-TV chiếm hơn 30% lượng hàng hóa xuất khẩu bằng container của cả nước.

Sự phát triển của cảng biển kéo theo lao động trong lĩnh vực này cũng tăng lên. Theo khảo sát, số lao động phục vụ cho một DN cảng biển hiện dao động từ  300-1.000 người. Tới đây, nếu 69 dự án cảng đi vào hoạt động thì nguồn nhân lực chuyên ngành cảng phải cần lên tới hơn 20 ngàn lao động, chưa kể tới nguồn lao động phục vụ trong chuỗi dịch vụ logistic, hậu cần sau cảng.

Theo Tiến sỹ Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, Trưởng khoa Kinh tế biển và Logistics Trường Đại học BR-VT, nhu cầu nguồn nhân lực chuyên ngành cảng biển hiện tại và tương lai đều rất lớn. Nhưng nguồn nhân lực đang yếu ở cả 3 cấp độ: cán bộ hoạch định chính sách, quản lý hoạt động và nghiệp vụ cụ thể. Nhìn chung, nguồn nhân lực hiện tại chưa đáp ứng được các nhu cầu hoạt động và phát triển logistics, đặc biệt thiếu các chuyên viên logistics giỏi có năng lực ứng dụng và triển khai dịch vụ này tại các DN.

Các DN cảng biển cũng cho biết, hiện việc tuyển dụng được các lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn về cảng biển, logistics gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian hơn do số lượng ứng cử viên địa phương đáp ứng các yêu cầu đặt ra là quá ít. Đi đôi với việc thiếu về số lượng, do hầu hết người lao động chưa được đào tạo chuyên sâu, nên DN khi tuyển dụng phải mất từ 1 - 2 năm để đào tạo lại. Kéo theo DN phải mất thêm thời gian và chi phí để đào tạo lại.

Chính vì thiếu hụt nguồn nhân lực nên thời gian qua, các DN đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, chủ yếu chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp vệ tinh như cho thuê kho bãi, làm đại lý hải quan, hoặc một vài dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ logistics…

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do các kỹ năng mà lao động được đào tạo trong nhà trường chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN. Quá trình đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động; trang thiết bị, cơ sở đào tạo chưa theo kịp sự thay đổi của máy móc, công nghệ hiện nay. Theo khảo sát của một đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cảng biển, logistics cho thấy, số lượng lao động tại cảng biển, logistisc ở BR-VT được đào tạo chính quy chỉ khoảng 10%.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng - STC cho biết, nguồn nhân lực cảng biển, logistics của tỉnh có qua các lớp đào tạo nhưng chưa sâu, còn thiếu và yếu về các kỹ năng như ngoại ngữ, chuyên ngành quản lý khai thác cảng, logistics quản lý chuỗi cung ứng và  ứng dụng công nghệ thông tin.

Đẩy mạnh công tác đào tạo

Trước thực trạng nguồn nhân lực “không bắt kịp” sự phát triển của cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng logistics, tỉnh BR-VT thời gian qua đã có nhiều giải pháp nhằm đào tạo, cung ứng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực cảng biển, logistics. Nhiều hội thảo, góp ý về việc phát triển cảng biển, phát triển nguồn nhân lực cảng biển, logistic được tổ chức nhằm giải bài toán về nguồn nhân lực.

Theo đó, giai đoạn 2017-2022, Trường ĐH BR-VT có hơn 1.000 SV đang theo học và tốt nghiệp chuyên ngành cảng biển, logistics. Ngoài ra, 4 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp nghề của tỉnh cũng có đào tạo về chuyên ngành cảng biển logistics. Các trường cao đẳng và trung cấp nghề này thời gian qua đã đào tạo được hơn 5.000 công nhân kỹ thuật với các chuyên đề ngành logistics như: kinh tế logistics, quản trị nhân sự, luật vận tải, quản trị logistics, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, khai thác vận tải đa phương thức, nghiệp vụ tài chính, kế toán các loại… Tuy nhiên, số lượng đào tạo này mới chỉ đáp ứng được hơn 55% nhu cầu.

Mới đây, ngày 23/4, Trường ĐH BR-VT tổ chức hội thảo “Nhu cầu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cảng biển và logistics Việt Nam”. Tại hội thảo, PGS.TS Hồ Thu Hòa, Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cho rằng, nhu cầu nhân lực đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các DN trong và ngoài nước khi đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, logistic. Để giải bài toán nhân lực, tỉnh cần hoạch định các chính sách, kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho lĩnh vực kinh tế mũi nhọn này.

Theo PGS.TS Hồ Thu Hòa, các cơ sở đào tạo muốn làm được điều đó phải xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế; thiết kế các chương trình đào tạo thiết thực, hiệu quả, theo nhu cầu (theo đặt hàng) của xã hội và các DN. Trong hoạt động đào tạo logistics cần đưa môi trường làm việc thực tế vào trong nhà trường; đưa thực hành vào thành nội dung bắt buộc trong chương trình dạy học...

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
.
.
.