.

Cảng biển "bứt phá" nhờ hiệp định thương mại tự do

Cập nhật: 18:44, 15/05/2022 (GMT+7)

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đem lại nhiều cơ hội cho cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Nhờ đó, 2 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của  dịch COVID-19  nhưng sản lượng hàng hóa thông qua CM-TV vẫn đạt ở mức 2 con số.

Hiện tại CM-TV có 35 tuyến tàu mẹ đi các thị trường châu Âu, hai bờ nước Mỹ, châu Phi và nội Á. Trong ảnh: Tàu trọng tải lớn cập cảng Gemalink.
Hiện tại CM-TV có 35 tuyến tàu mẹ đi các thị trường châu Âu, hai bờ nước Mỹ, châu Phi và nội Á. Trong ảnh: Tàu trọng tải lớn cập cảng Gemalink.

Đón nhận nhiều cơ hội mới

Trong số 15 hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia, Hiệp định Đối tác chiến lược và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã dẫn dắt tăng trưởng lưu lượng hàng hóa thông qua cảng biển. CM-TV đang tận dụng các lợi thế từ các hiệp định để đón nhận nhiều cơ hội mới.

Theo thông tin từ CM-TV, 6 năm trở lại đây mức tăng trưởng của CM-TV luôn ở mức 2 con số, đây là mức tăng trưởng cao trong các cảng container trên thế giới. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2022, hàng container thông qua CM-TV đạt 1,5 triệu TEU, tăng 10%.

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN
Bộ GT-VT đã giao Cục Hàng hải Việt Nam triển khai nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các tàu thuyền, tàu container có trọng tải lên đến 20.000 TEU được phép vào các cảng nước sâu và cắt giảm một số thủ tục không cần thiết để hỗ trợ các DN thúc đẩy thương mại. Bên cạnh đó, chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm nghiên cứu phát triển hệ thống thông tin quản lý cảng biển, kết nối với hệ thống thông tin một cửa quốc gia để giảm thủ tục hành chính cũng như ứng dụng CNTT, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa bằng đường biển.
(Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GT-VT)

Các DN cảng biển, đặc biệt là cụm CM-TV tiếp tục chứng minh vai trò là cảng chính cho xuất khẩu của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là xuất khẩu đi Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Từ tháng 8/2020 đến nay, CM-TV đón nhận thêm 12 tuyến tàu mẹ kết nối với Bắc Mỹ, Canada, các cảng chính đi châu Âu và nội Á.

Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn-SSA (SSIT) cho rằng, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do là cơ hội lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi lượng hàng hóa xuất khẩu nhiều thì lượng hàng xuất nhập khẩu tại cảng càng lớn.

Hợp tác để cắt giảm chi phí

Sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng biển liên tục tăng trưởng nhờ FTA. Tuy nhiên, giá cước phí vận tải cũng tăng kỷ lục. Để cắt giảm chi phí, các hãng tàu lớn trên thế giới hợp tác với nhau. Cùng với đó, những con tàu kích cỡ lớn đã và đang được các hãng tàu đưa vào vận chuyển.

Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, từ năm 2021 đến nay các hãng tàu lớn đã chuẩn bị các bước tham gia làn sóng đóng tàu kích cỡ lớn. Cụ thể, hãng tàu Yang Ming đặt cọc đóng các tàu 24.000 TEU, hãng tàu Maersk cũng đặt thêm nhiều con tàu sức chở từ 21.000 TEU…

Tin từ hãng tư vấn Alphaliner (tổ chức nghiên cứu hàng hải hàng đầu thế giới), hiện nay, cỡ tàu 10.000 - 21.000 TEU chiếm 45% tổng số tàu vận tải container đang hoạt động. Dự kiến đến năm 2023, những container sức chở đến 18.000 TEU sẽ chiếm 80% lượng tàu hoạt động trên tuyến Á - Âu.

Các hãng tàu hiện đã mở tuyến tại Việt Nam và với tàu  kích cỡ lớn thì chỉ có cụm cảng CM-TV và cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) mới đủ điều kiện tiếp nhận. Vì đây là 2 cụm cảng với nhiều cảng nước sâu, vừa đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các tàu trọng tải lớn theo xu thế phát triển của đội tàu quốc tế vừa sử dụng hiệu quả quỹ tài nguyên đường bờ thông qua tối đa lượng hàng hóa.

Việc thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ mang lại cơ hội vàng cho cụm cảng CM-TV. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng xuất nhập khẩu tại Cảng TCIT.
Việc thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ mang lại cơ hội vàng cho cụm cảng CM-TV. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng xuất nhập khẩu tại Cảng TCIT.

Song song đó, để đón nhận cơ hội đón tàu lớn các DN cảng hiện đang nỗ lực tăng năng lực khai thác để đón cơ hội mới. Tháng 3/2022, Cảng Gemalink đưa vào khai thác thêm 2 cẩu bờ ship-to-shore loại super post-panamax cùng kích cỡ với 6 cẩu bờ hiện hữu của cảng, có trọng lượng 1.700 tấn, sức nâng tối đa 85 tấn và tầm với có thể xếp dỡ đến 25 hàng container trên tàu, đủ năng lực xếp dỡ các tàu loại siêu lớn trọng tải 214.000 DWT mà cảng đang tiếp nhận. 2 cẩu bờ ship-to-shore này đã giúp tăng năng suất xếp dỡ của cảng từ 32 container/giờ/cẩu lên 34 container/giờ/cẩu.

Trước đó, tháng 1/2022, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã hoàn thành lắp đặt, vận hành thử và đưa vào hoạt động cẩu bờ STS loại super post-panamax siêu lớn. Đây là cẩu bờ thứ sáu của cảng có trọng lượng 1.500 tấn, sức nâng tối đa 100 tấn và tầm với có thể xếp dỡ đến 23 hàng container trên tàu, đủ năng lực xếp dỡ các tàu loại siêu lớn trọng tải 214.000 DWT mà cảng đang tiếp nhận. Ngoài cẩu bờ STS thứ sáu, CMIT cũng đã đầu tư thêm 6 xe đầu kéo mới cùng một số thiết bị khác.

Cùng với các nỗ lực từ các DN, ngay từ khi Việt Nam xúc tiến ký các hiệp định thương mại tự do, Bộ GT-VT đã chủ động nghiên cứu, rà soát lại hệ thống cảng biển của Việt Nam, xây dựng một số đề án nâng cao hiệu quả khai thác của các cảng biển, trong đó có cảng nước sâu CM-TV.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.