CƠ CHẾ CẢNG MỞ

Lực đẩy cho cụm cảng Cái Mép-Thị Vải

Thứ Ba, 18/01/2022, 18:34 [GMT+7]
In bài này
.

Cơ chế cảng mở được áp dụng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) sẽ giúp cụm cảng phát huy được vai trò trung chuyển quốc tế như quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đồng thời giúp giảm chi phí logistics cho hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực.

Ước tính nếu “cảng mở” được thực hiện, chi phí vận chuyển sà lan mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 15 triệu USD. Trong ảnh: Vận chuyển hàng sà lan tại Cảng CMIT.
Ước tính nếu “cảng mở” được thực hiện, chi phí vận chuyển sà lan mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 15 triệu USD. Trong ảnh: Vận chuyển hàng sà lan tại Cảng CMIT.

Mở ra hướng đi mới

Theo quy hoạch hệ thống cảng biển được Thủ tướng phê duyệt, các cảng khu vực CM-TV cùng với cảng Hải Phòng được phân loại là cảng đặc biệt trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Đến năm 2030, cảng biển BR-VT sẽ đảm nhận thông qua từ 461 đến 540 triệu tấn hàng (hàng container từ 23 đến 28 triệu TEU); hành khách từ 1,7 đến 1,8 triệu lượt khách. Với quy hoạch này, Chính phủ sẽ dành nhiều ưu tiên cho việc đầu tư các bến cảng, đồng thời các chính sách về giá, phí dành cho cảng mở cũng sẽ được nghiên cứu áp dụng.   

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc áp dụng cảng mở tại cụm cảng CM-TV sẽ mở ra hướng đi mới cho khu vực này. Hiện nay, mô hình cảng mở đang được áp dụng thành công tại nhiều cảng biển lớn trên thế giới như: Thượng Hải (Trung Quốc), Tanjung Pelepas (Malaysia), Singapore…

Theo đó, hàng hóa chuyển về ở khu vực cảng mở sẽ chưa phải đóng thuế mà chỉ đóng phí lưu kho, bãi. Khi có cảng mở, chủ hàng có thêm kho, bãi để mua hàng tích trữ vào lúc giá rẻ trong khi chưa xác định rõ nhu cầu của thị trường. Đến mùa cao điểm, kế hoạch sản xuất của các cơ sở, nhà máy được đưa ra cụ thể, doanh nghiệp buôn bán nguyên vật liệu có sẵn nguồn hàng để cung cấp, không bị tác động bởi biến động của thị trường. Người bán lấy được giá tốt thì người mua cũng sẽ gián tiếp nhận được “giá hời”.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang cho biết, từ năm 2014 đến nay, tốc độ tăng trưởng tại CM-TV luôn đạt 2 con số, liên tục đón các tàu có trọng tải lớn vào khu vực làm hàng. Trong khi đó, các bến cảng được phân bổ rải rác và hầu hết đều hạn chế về chiều dài cầu tàu (trung bình 600m bến/cảng) trong khi kích cỡ tàu cập cảng khu vực Cái Mép ngày càng tăng, chiều dài tàu lên tới 400m. Mỗi bến cảng chỉ có thể tiếp nhận được 1 tàu mẹ. Hơn nữa, mỗi bến cảng tại CM-TV là một cửa khẩu nên để chuyển hàng từ cảng này sang cảng khác thì khách hàng, hãng tàu phải hoàn thiện thủ tục hải quan, thời gian hoàn thiện thủ tục kéo dài, dẫn đến các hãng tàu còn e ngại trong việc quyết định tăng sản lượng hàng trung chuyển tại đây.

Do vậy, việc áp dụng cơ chế liên kết khai thác và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực CM-TV (cơ chế cảng mở) sẽ tối ưu hóa công suất khai thác và tận dụng tối đa cầu bến của nhau, giải quyết được các hạn chế về cầu bến, giảm chi phí logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua khu vực. “Chính sách cảng mở được xây dựng sẽ giúp tăng sản lượng hàng hóa qua cảng biển, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng cảng CM-TV trở thành cảng trung chuyển quốc tế đúng nghĩa” - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.

Những năm qua, CM-TV liên tục đón "siêu tàu". Vì vậy, việc áp dụng cơ chế cảng mở được kỳ vọng tạo ra nhiều cơ hội để CM-TV đón được tàu lớn 250 ngàn tấn hoặc lớn hơn. Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemalink cho rằng, nhu cầu kết nối hàng hóa giữa các tàu cập tại các bến cảng khác nhau trong khu cảng Cái Mép là rất cao. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy ngay tại cảng biển, việc các bến trong cùng một cụm cảng hỗ trợ nhau tiếp nhận tàu và xếp dỡ hàng hóa được đặt ra cấp thiết.

Tính toán từ các chuyên gia kinh tế cho thấy, khi áp dụng cơ chế cảng mở, 2 cảng liền kề liên kết có thể khai thác thêm bến thứ ba ở giữa và tăng thêm 50% công suất của 2 cảng khoảng 1,2 triệu TEU/năm. Đơn cử, nếu giải pháp kết nối giữa 2 cảng CMIT và TCTT được thực hiện thành công thì mỗi năm riêng CMIT sẽ tăng doanh thu khoảng 20 triệu USD. Cùng đó, hàng hóa được kết nối thông suốt giữa các cảng, phương tiện vận tải cũng không phải đợi cầu tàu, tốc độ quay vòng cao. Khi giải pháp cảng mở được thực hiện, chi phí vận chuyển sà lan sẽ giảm khoảng 10-15%, mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 15 triệu USD.

 

Cảng mở (Free port) là khu vực riêng biệt trong phạm vi cảng biển mà ở đó hàng hóa nhập khẩu chưa phải trả thuế nhập khẩu. Cụ thể, hàng hóa từ nước ngoài đưa vào khu vực cảng mở chưa phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Những hàng hóa từ Việt Nam đưa vào khu vực cảng mở như hàng tiêu dùng, văn phòng phẩm, trang thiết bị văn phòng phục vụ cho hoạt động trong khu vực cảng mở không phải nộp thuế xuất khẩu và không phải làm thủ tục xuất khẩu.

Cần chính sách đột phá

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cảng mở nếu được triển khai hiệu quả không chỉ giúp Việt Nam mở rộng giao thương hàng hóa mà còn giúp cảng biển Việt Nam thu hút các hãng tàu đến khai thác, tiến tới trở thành trạm trung chuyển quốc tế bằng đường biển.

Tại buổi làm việc với tỉnh BR-VT vào tháng 12/2021, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu cơ chế thí điểm cảng mở tại cụm cảng container CM-TV... Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GT-VT, Bộ KH-ĐT, UBND tỉnh BR-VT và các cơ quan liên quan nghiên cứu cơ chế, chính sách thí điểm cảng mở tại cụm cảng container quốc tế CM-TV, trình cấp có thẩm quyền xem xét trong quý 2/2022.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để thí điểm cảng mở, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp lý, xác định tiêu chí rõ ràng về cảng mở, ban hành hướng dẫn chi tiết áp dụng thống nhất mô hình cảng mở trên cả nước.

Ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng thể chế, cơ chế hoạt động rõ ràng cho cảng mở. Tiêu chí đầu tiên đối với cảng mở là diện tích phải đủ lớn. Trước mắt, quy mô cảng mở ở Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng có thể bảo đảm hình thành được đầy đủ các phân khu dành cho hàng trung chuyển, hàng quá cảnh, khu vực phi thuế quan, có thể phục vụ mua bán, đóng gói, sắp xếp lại hàng hóa; gia cố, sửa chữa hoặc thay container, bán thành phẩm, phụ tùng... như mô hình nhiều nước như: Trung Quốc, UAE… đang triển khai hiệu quả. Khu vực Cái Mép Hạ có diện tích gần 1.800ha và có thể mở rộng ra phía vịnh Gành Rái để hình thành cảng mở.

Tại buổi làm việc nêu trên, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay hệ thống cảng CM-TV chưa đủ điều kiện để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, chưa thu hút được các hãng tàu lớn và mất đi tính cạnh tranh với các cảng nước sâu khác trong khu vực và thế giới do thiếu các yếu tố. Trong đó, các cảng đang bị chia cắt, cầu cảng chưa gắn kết, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông, chưa thật sự là cảng trung chuyển; thiếu một tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại chỗ; thiếu hệ sinh thái logistics; thiếu hệ thống giao thông kết nối liên vùng đa phương thức; chi phí logistics cao, thời gian thông quan kéo dài.

“Với vai trò là cảng biển đặc biệt của cả nước, cần có các chính sách đột phá phát triển cụm cảng CM-TV, trong đó có chính sách cảng mở. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cảng CM-TV, phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa, cần thiết nhất là đơn giản thủ tục, giảm thời gian, chi phí thông quan”, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới sẽ được phân thành 5 nhóm thay vì 6 nhóm cảng biển như giai đoạn trước. BR-VT thuộc nhóm cảng biển số 4 cùng với TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Trong đó, cảng biển BR-VT được phân loại là cảng biển đặc cùng với cảng Hải Phòng.

 

Cảng mở (Free port) là khu vực riêng biệt trong phạm vi cảng biển mà ở đó hàng hóa nhập khẩu chưa phải trả thuế nhập khẩu. Cụ thể, hàng hóa từ nước ngoài đưa vào khu vực cảng mở chưa phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Những hàng hóa từ Việt Nam đưa vào khu vực cảng mở như hàng tiêu dùng, văn phòng phẩm, trang thiết bị văn phòng phục vụ cho hoạt động trong khu vực cảng mở không phải nộp thuế xuất khẩu và không phải làm thủ tục xuất khẩu.

 

;
.