Theo Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT về việc quy định về tổ chức và hoạt động của cảng vụ đường thủy nội địa, từ 1/11/2021, phạm vi quản lý của các cảng vụ đường vụ nội địa trung ương và địa phương rộng hơn so với hiện nay, bao gồm cả cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy và trong vùng nước cảng biển.
Các cảng vụ đường thủy trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy quốc gia hoặc giáp ranh đường thủy quốc gia và địa phương, trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy quốc gia. Cảng vụ địa phương quản lý cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy địa phương, trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy địa phương.
Thông tư cũng bổ sung thẩm quyền, nhiệm vụ của lực lượng cảng vụ, như: quản lý cấp phép cho phương tiện thủy, tàu biển vào, rời cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển; giám sát việc xếp hàng hóa từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài lên cảng, bến, kiểm tra thiết bị và người vận hành thiết bị xếp dỡ hàng hóa trong cảng, bến; tham gia kết luận nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra trong vùng nước cảng, bến, khu neo đậu; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…
Được biết, cả nước hiện có 4 cảng vụ đường thủy nội địa khu vực trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và gần 30 cảng vụ đường thủy nội địa địa phương. Cảng vụ đường thủy địa phương trực thuộc Sở GT-VT, việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cảng vụ địa phương thực hiện theo phân cấp của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
THANH NGA