.

Nuôi ốc hương, hướng đi phù hợp cho nuôi trồng thủy sản ở xã Lộc An

Cập nhật: 07:55, 17/04/2007 (GMT+7)

Kết quả nuôi của ông Trần Văn Hiền cho thấy xã Lộc An là nơi có thể nuôi rộng rãi ốc hương để cung ứng cho nhu cầu của thị trường.

Gần 5 năm qua, mặc dù chuyển đổi nhiều đối tượng trong ao nuôi của mình, nhưng ông Trần Văn Hiền ở ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ vẫn liên tục bị lỗ vốn. Đã có lúc ông Hiền nghĩ đến chuyện bỏ nghề nuôi trồng thủy sản mà ông đã nhiều năm gắn bó, nhưng rồi... con ốc hương đã làm thay đổi suy nghĩ và mang đến niềm tin cho ông. Từ kết quả khả quan của ông Hiền, có thể rút ra kết luận: nuôi ốc hương là hướng đi phù hợp cho nuôi trồng thủy sản ở xã Lộc An.

TỪ MỘT CHUYẾN THAM QUAN HỌC TẬP KINH NGHIỆM

Trong nhiều chuyến đi khai thác hải sản, ông Trần Văn Hiền nhận thấy con ốc hương có sức sống rất tốt, chỉ cần tưới nước giữ độ ẩm, ốc hương có thể sống hơn một tuần. Từ đó, ông suy nghĩ đến việc đưa con ốc hương vào ao nuôi, tuy nhiên ông vẫn còn nhiều băn khoăn về quy trình kỹ thuật nuôi, nguồn giống, thị trường tiêu thụ, và nhất là liệu con ốc hương có thể “sống nổi” trong môi trường nước ở Lộc An không?… Thế rồi những băn khoăn, trăn trở của ông đã được giải đáp trong chuyến học tập kinh nghiệm tại tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận do Trung tâm Khuyến ngư tỉnh tổ chức.

Tại tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, ông Hiền được “mắt thấy, tai nghe” những điều mà ông từng trăn trở. Ông Hiền cho rằng, trong chuyến đi này ông học hỏi được nhiều mô hình với các hình thức nuôi khác nhau. Nhưng, mô hình nuôi ốc hương trong ao đất, sử dụng lưới bao xung quanh của ông Khánh tại tỉnh Ninh Thuận đã thực sự cuốn hút ông. Việc đầu tư nuôi ốc hương trong ông đã được quyết định ngay lúc này.

NUÔI LẦN ĐẦU BỎ TÚI 34 TRIỆU ĐỒNG !

“Lẽ ra đợt đó tôi có thể lãi hơn 50 triệu đồng”, ông Hiền nói trong sự tiếc nuối. Do lần đầu tiên nuôi ốc hương, nên ông chưa nắm hết quy luật thị trường của đối tượng này, vì vậy ông chỉ bán được 170.000 đồng/kg. Ông cho biết, nếu như sản phẩm của ông được tiêu thụ trước tiết Thanh Minh, thì giá còn cao hơn nữa. Tuy nhiên, ông vẫn hài lòng với những kết quả thu được vì chỉ đầu tư 27 triệu đồng mà ông thu được lợi nhuận 34 triệu đồng.

Với những kinh nghiệm có được qua đợt nuôi đầu, mô hình nuôi ốc hương của ông Hiền được Trung tâm Khuyến ngư tỉnh chọn làm điểm triển khai, nhân rộng trên địa bàn. Theo hướng dẫn của Trung tâm, trong đợt nuôi này, ông nuôi với mật độ cao gấp 2 lần so với đợt trước (200.000 con giống/m2, phần lưới bao là 1.000m2). Theo tính toán của ông, đến nay đã 3,5 tháng, nếu với giá “bèo nhất” là 100.000đ/kg, thì hiện tại ông có thể thu được lợi nhuận khoảng 41 triệu đồng.

ỐC HƯƠNG: SỰ LỰA CHỌN CUỐI CÙNG

Theo ông Hiền, ốc hương có khả năng dễ thích nghi với môi trường nuôi thả, trong quá trình nuôi đến nay ông chưa gặp phải vấn đề rắc rối về bệnh tật. Chỉ cần mỗi ngày theo dõi con nước, cho lượng thức ăn phù hợp, làm vệ sinh sạch sẽ đáy ao và phần lưới bao để giữ cho môi trường nước luôn sạch sẽ. Nếu cẩn thận hơn, có thể sử dụng men vi sinh (MenBac) để duy trì nền đáy luôn sạch, tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của ốc hương. Đặc biệt, nuôi ốc hương không phải chi phí cho các khoản chạy máy sục khí, không cần ao lắng như nuôi tôm sú vì ốc hương có ngưỡng ôxy thấp. Điều cần thiết là tạo nền cát khoảng 10-12 cm để ốc vùi mình mới phát triển tốt.

Được biết, hiện nay tại xã Lộc An có hộ bà Ông Thị Tuyết đã thả nuôi 180.000 con giống, qua hơn 2,5 tháng đã đạt trọng lượng 160-170con/kg. Theo đánh giá của ông Trần Văn Hiền và các kỹ sư của Trung tâm Khuyến ngư, thì tốc độ phát triển như trên là tốt. Điều đó cho thấy vùng Lộc An có khả năng phát triển tốt vật nuôi này. Và đây là tín hiệu lạc quan cho bà con nuôi tôm khu vực Lộc An vì hiện nay tại khu vực này có đến 70% ao nuôi bỏ hoang do ô nhiễm môi trường và suy thoái cục bộ trong ao nuôi.

Với niềm đam mê, sự nhiệt tình và tâm huyết với cộng đồng, ông Trần Văn Hiền đã được Trung tâm Khuyến ngư tỉnh mời tham gia cộng tác giới thiệu về quy trình kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi ốc hương trong các cuộc hội thảo, tập huấn. Ông còn được Tỉnh Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu mời tham dự và báo cáo mô hình điển hình tại hội nghị thanh niên của tỉnh. Bởi, ngoài những kiến thức về nuôi trồng thủy sản, thanh niên còn học tập được ở ông tinh thần vượt khó, khả năng truyền đạt niềm tin cho cộng đồng.

Bài, ảnh: Trần Quốc Vỹ
(Trung tâm Khuyến ngư tỉnh)

.
.
.