.

Rác thải ồ ạt tấn công các bãi biển

Cập nhật: 20:00, 13/07/2022 (GMT+7)

Vài tháng gần đây, rác đại dương ồ ạt tấn công vào các bãi biển của BR-VT, tạo áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý môi trường của địa phương.

Công nhân VESCO thu gom rác tại khu vực Bãi Trước (TP. Vũng Tàu).
Công nhân VESCO thu gom rác tại khu vực Bãi Trước (TP. Vũng Tàu). Ảnh: Thái Phong

Rác nhiều chưa từng có

Những ngày gần đây, khắp các hòn đảo lớn, nhỏ của huyện Côn Đảo bị rác đại dương bủa vây. Từ trung tâm thị trấn Côn Đảo, chúng tôi xuôi ca nô ra hòn Bảy Cạnh. Từ phía biển nhìn vào các dãy rừng ngập mặn dễ bắt gặp hình ảnh hàng đống rác đang tấp vào bờ. Những chiếc lưới rách cũ, sau khi nước rút bị mắc kẹt trên những cây đước của hòn Bảy Cạnh.

Theo ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo, hiện tượng rác thải đại dương trôi dạt vào các vùng biển của huyện Côn Đảo ngày càng nhiều, đặc biệt là khoảng 2 năm trở lại đây. Các loại rác đại dương nhiều nhất vẫn là từ hoạt động khai thác hải sản như: ngư lưới cụ cũ rách, phao cá, can nhựa, túi ni lông… Ước tính, lượng rác thải đại dương trôi dạt vào các bãi biển thuộc huyện Côn Đảo tăng từ 10-15%/năm.

Ông Huệ cho rằng, các loại rác thải đại dương này khi trôi dạt vào vùng biển Côn Đảo sẽ ảnh hưởng đến môi trường, sự phát triển đa dạng sinh học của VQG. Cụ thể, nhiều ngư lưới cụ đã trùm lên các rạn san hô làm hạn chế sự sinh trưởng và phát triển của loại sinh vật này; rác trôi dạt vào bờ làm ảnh hưởng đến vùng triều khiến rùa biển không lên bờ đẻ trứng… Do đó, hàng tháng VQG Côn Đảo đều tổ chức lặn biển để thu gom rác dưới các rạn san hô và các hòn đảo nhỏ.

Theo bà Lê Mộng Thúy, Trưởng Ban quản lý các công trình công cộng huyện Côn Đảo, mỗi năm đơn vị này cũng tổ chức nhiều đợt thu gom rác đại dương với khối lượng thu được khoảng 700-1.000 tấn/đợt. Rác nhiều nhất là ở khu vực Bãi Vong, Suối Ớt, Bến Đầm, Đầm Trầu và Bãi Nhát…

Rác thải đại dương vì vậy đã tạo áp lực lớn cho những người làm công tác thu gom và vận chuyển rác trên đảo bởi không chỉ khối lượng rác ngày càng nhiều mà điều kiện thu gom ở các đảo nhỏ khá xa xôi, cách trở.

Trong khi đó, chu kỳ hàng năm, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, hoặc cuối tháng 9 đầu tháng 10, khi thời tiết chuyển gió mùa Tây Nam các bãi biển Vũng Tàu phải hứng chịu từ 2 đến 3 đợt rác thải từ đại dương dạt vào. Mỗi đợt nhanh thì 3-4 ngày, lâu hơn kéo dài cả tuần với đủ thứ rác. Nhưng từ đầu năm 2022 đến nay đã có 2 đợt rác đại dương tràn vào các bãi biển Vũng Tàu. Trong đó, đợt gần đây kéo dài từ giữa tháng 5 đến nay vẫn chưa hết rác.

Theo ông Nguyễn Xuân Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu (VESCO), suốt 2 tháng qua, công ty phải huy động 30-40 công nhân thường xuyên túc trực, trong đó ưu tiên thực hiện thu gom các khu vực bãi tắm (từ 4-6 giờ sáng). Các loại rác này không phải từ việc xả thải của người dân hay cơ sở sản xuất nào tại BR-VT mà rác từ khắp nơi trôi dạt về.

“Nhưng chưa có năm nào tình trạng rác đại dương lại nhiều và kéo dài đến tận 2 tháng mà chưa hết như năm nay. Có ngày công nhân thu gom khoảng 5-6 tấn, ngày ít thì cũng 2-3 tấn”, ông Hậu nói.

Nhân viên kiểm lâm và du khách thu gom rác trên Bãi Dương (hòn Bảy Cạnh, huyện Côn Đảo).
Nhân viên kiểm lâm và du khách thu gom rác trên Bãi Dương (hòn Bảy Cạnh, huyện Côn Đảo).

Cần sự chung tay của cộng đồng

Theo ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện tình trạng xả rác như: cấm ăn nhậu, xả rác trên bãi biển, tích cực truyền thông cho người dân hiểu. Nhờ sự chung tay của người dân, DN, du khách mà tình trạng xả rác đã giảm rõ rệt, các bãi biển ở Vũng Tàu luôn sạch sẽ, làm hài lòng du khách.

Tuy nhiên, đối với lượng rác từ đại dương dạt về thì ngoài việc tổ chức thu gom ra hiện chưa có biện pháp nào khả thi hơn. “Muốn hạn chế rác thải đại dương tấn công trở lại các bãi biển, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, nói không với việc xả rác xuống biển. Đó là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết ô nhiễm rác thải từ đại dương”, ông Hoàng Vũ Thảnh kêu gọi.

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. BR-VT là 1 trong 28 tỉnh, thành ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của vấn nạn rác đại dương. Một trong hững hành động thiết thực, điển hình để giảm rác đại dương là thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, để giảm rác đại dương, trước tiên cần huy động sự tham gia của người dân trong thu gom, phân loại rác thải nhựa đại dương và phối hợp xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về rác thải nhựa đại dương thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Ngoài ra, các địa phương cần có giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu cũng như có biện pháp xử lý đối với các hành vi thải bỏ, làm thất lạc ngư cự khai thác thủy sản trên biển không đúng quy định.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.