.
THỤY ĐIỂN TÁI CHẾ THÀNH CÔNG 99% LƯỢNG RÁC THẢI

Công nghệ hiện đại đi cùng ý thức

Cập nhật: 19:08, 08/07/2022 (GMT+7)

Thụy Điển là đất nước tiên phong trong việc biến đổi rác thành năng lượng. Đây là kết quả của cả quá trình nỗ lực hàng thập kỷ, bắt đầu từ những quy định chặt chẽ về phân loại rác thải trong các hộ gia đình, nhà máy và địa phương từ những năm 1970.

Thụy Điển thực tế đã quan tâm tới môi trường từ rất lâu, tiến bộ hơn nhiều so với nhiều nước, thậm chí là các nước EU. Năm 1991, Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên đánh thuế trên các nguồn năng lượng hóa thạch.

Theo Hiệp hội Tái chế và Quản lý Chất thải Thụy Điển, chưa đến 1% rác thải sinh hoạt ở quốc gia này được đưa đến các bãi chôn lấp. Khoảng 49% rác sinh hoạt được tái chế và khoảng 50% rác được đốt trong các nhà máy điện. Nhiệt năng làm quay các tua-bin để tạo ra điện giống như các nhà máy điện thông thường đốt than hoặc khí.

Trong nhiều năm liền đi đầu trong khâu tái chế, hiện nay Thụy Điển phải nhập khẩu rác từ các nước khác để các nhà máy tái chế nước này tiếp tục hoạt động. Kể từ năm 2011, không tới 1% các hộ gia đình Thụy Điển mang rác thải ra bãi, theo Independent.

Ngoài chuyện bảo vệ môi trường có sự phối hợp từ ý thức của người dân, công nghệ xử lý rác thải hiện đại và hiệu quả cũng là điểm đáng chú ý của quốc gia Bắc Âu này.

Tại Malmo, thành phố lớn thứ 3 Thụy Điển, đến 60% lượng điện tiêu thụ và nhiệt cung cấp cho hệ thống sưởi tại đây lại đang được cung cấp từ một nhà máy tái chế rác thải. Công ty xử lý rác thải Sysav được quản lý bởi 16 thành phố phía Nam Thụy Điển, xử lý rác thải trong khu vực và cũng cung cấp nhiên liệu cho chính các thành phố này.

Công nghệ phát triển đến mức nước này đang phải nhập khẩu rác từ các nước khác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Các sà lan chở rác vẫn cập cảng Malmo hàng tuần. Rác đến từ Anh và nhiều nước EU khác.

55% rác được đốt trở thành nguồn cung cấp điện và khí sưởi, phần còn lại tái chế thành nguyên vật liệu mới hoặc thành phân bón sinh học, khí sinh học.

Nhờ máy móc tự động, cả hệ thống vận hành không cần nhiều nhân công. Bên cạnh đó, công việc cũng đơn giản hơn nhiều khi bản thân mỗi người dân đã hình thành thói quen phân loại rác từ đầu. Việc tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng liên quan đến các vấn đề rác thải và bảo vệ môi trường cũng là công việc mà các DN xử lý rác thải thường xuyên phối hợp thực hiện cùng các thành phố.

Xử lý rác có thể coi là một ngành kinh tế ở Thụy Điển với sự tham gia của gần 100 DN. Trong khi xử lý rác thải vẫn là chuyện đau đầu với nhiều quốc gia, kể cả với nhiều nước EU, mỗi năm 700.000 tấn rác từ các nước vẫn được chuyển vào Thụy Điển để nước này chạy các nhà máy tái chế của mình.

XUÂN KỲ

.
.
.