Kỳ 2: Khó ai có thể đứng ngoài cuộc
Khi CĐS thành công, những cá nhân, đơn vị chậm tham gia hoặc không tham gia sẽ gặp rắc rối khi muốn thụ hưởng các tiện ích xã hội. Vì vậy chuyển đổi số là cuộc biến thiên mà cả xã hội phải cùng vào cuộc.
Nhân viên BWACO theo dõi quá trình sản xuất nước tại trung tâm điều hành của nhà máy nước Hồ Đá Đen. |
Người dân là trung tâm
Tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh (ĐTTM) số 45 Bacu, phường 1, TP. Vũng Tàu hàng ngày tiếp nhận hàng chục ngàn hình ảnh từ hơn 1.100 camara an ninh trên các tuyến đường, ngõ ngách của thành phố. Nhiều phương tiện vi phạm Luật Giao thông, người xả rác không đúng nơi quy định đã bị camera ghi lại. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố cũng được giám sát chặt chẽ hơn thông qua những “mắt thần” này.
“Người dân giờ đây có thể dùng điện thoại thông minh chụp hình, quay phim những vấn đề bất cập gặp phải trong cuộc sống như: thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; hồ sơ chậm trễ… rồi gửi vào hệ thống “Phản ánh hiện trường” để chính quyền tiếp nhận và xử lý. Ý kiến phản ánh sẽ được Trung tâm điều hành ĐTTM TP. Vũng Tàu xác minh và chuyển đến cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý tức thời. Kết quả xử lý sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử Phản ánh hiện trường và ứng dụng VungtauIOC”, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết.
Anh Trần Văn Hoan (phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) kể lại, khu vực xung quanh nhà anh có một bãi đất trống, người dân thường bỏ rác vào đây để đốt gây ô nhiễm môi trường. Anh Hoan đã chụp hình và gửi vào hệ thống phản ánh hiện trường. Ngày hôm sau, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Ngành TN-MT được chọn là 1 trong 10 lĩnh vực đầu tiên phải có trong mắt xích của “đô thị thông minh, chính quyền điện tử”. Vì vậy, trong 2 năm qua (2021 và 2022), Sở TN-MT đã đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và môi trường mạng mức độ 3, 4; triển khai thanh toán phí, lệ phí và các chi phí khác để người dân, DN thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành TN-MT, hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý tài nguyên, môi trường thông minh”.
Anh Mai Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đạt Gia (huyện Long Điền) cho biết, anh vừa cài đặt ứng dụng truyền thông của ngành TN-MT trên điện thoại thông minh. Từ ứng dụng này, anh dễ dàng tra cứu các thông tin về thửa đất, bản đồ, quy hoạch… Ngoài ra, ứng dụng ngày còn giúp DN tránh được rủi ro về pháp lý, tiếp nhận các văn bản, thông báo do Sở TN-MT phát hành một cách nhanh nhất mà không phải xin - cho như trước đây.
Tại các hội nghị, diễn đàn của tỉnh về CĐS, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy luôn nhấn mạnh quan điểm “Phải lấy người dân làm trung tâm CĐS”. Hoạt động của chính quyền số cần có sự tham gia của người dân thông qua các phương tiện số. Chính quyền CĐS để quản lý và phục vụ người dân tốt hơn. Ngược lại, DN, người dân cũng cần được khuyến khích tham gia CĐS vì chính bản thân mình. CĐS là cuộc cách mạng của toàn dân. Nó sẽ chỉ thành công khi có sự tham gia tích cực, đầy hứng khởi của các tổ chức, DN, người dân.
Và để CĐS thành công, bên cạnh yếu tố công nghệ, việc chuyển đổi nhận thức của đội ngũ CBCC là điều hết sức quan trọng. Trong cuộc chuyển đổi này, lãnh đạo các sở ngành, chính quyền địa phương phải luôn đồng hành cùng CBCC và người dân trong việc xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ cũng như các vấn đề cốt lõi về chuyển đổi số để đội ngũ CBCC có thể giải quyết công việc.
Các DN vào cuộc
Cũng giống như nhiều địa phương khác, việc CĐS trong DN tại BR-VT đã xuất hiện trong thời gian qua và là một trong những xu hướng được quan tâm nhất. Theo ông Nguyễn Lương Điền, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước BR-VT (BWACO), trước đây, công tác quản lý cấp nước chủ yếu trên bản vẽ giấy hoặc bản vẽ CAD mang tính rời rạc, phân mảnh mạng lưới tuyến ống cấp nước và thông tin không thể quản lý tập trung, tổng thể. Để bảo đảm được nguồn nước liên tục, an toàn và ổn định bất kể ngày đêm, từ những năm 2.000 BWACO đã triển khai các ứng dụng CNTT, tiến tới CĐS, trong đó công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) là ứng dụng quan trọng để quản lý hệ thống mạng lưới cấp nước tại BR-VT. Những năm gần đây, BWACO đẩy mạnh toàn diện việc ứng dụng và số hóa dữ liệu mạng lưới cấp nước vào hệ thống GIS. Đồng thời triển khai CĐS đến từng công việc cụ thể để tạo thành một hệ sinh thái quản lý và dịch vụ hoàn chỉnh.
Bên cạnh sự chủ động vào cuộc CĐS của nhiều DN thì vẫn còn nhiều DN nhỏ và vừa còn e ngại trong việc CĐS do nguồn nhân lực thiếu kỹ năng, thiếu nền tảng công nghệ thông tin chất lượng, thiếu tư duy kỹ thuật số. Hạ tầng thanh toán số chưa đồng bộ, chưa tận dụng được các hạ tầng chung, độ phủ chưa lớn.... Những điều này đã làm chậm quá trình chuyển đổi số nói chung và CĐS trong cộng đồng DN nói riêng.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh băn khoăn, vấn đề đặt ra là làm thế nào tạo ra hạ tầng thuận tiện nhất để DN dễ dàng và sẵn sàng tham gia và cùng với chính quyền thúc đẩy CĐS nhằm bắt kịp với xu thế và thời đại cùng nhau hợp tác và phát triển bền vững. Ông Trần Văn Tuấn cho biết thêm, để huy động toàn hệ thống chính trị, xã hội cùng tham gia thúc đẩy CĐS, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã đề ra các chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện, với định hướng đến năm 2030 BR-VT cơ bản hoàn thiện CĐS và hình thành mô hình đô thị thông minh; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân; kinh tế số trở thành nền tảng cốt lõi thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ và xây dựng xã hội an toàn, nhân văn, thịnh vượng.
Khuyến khích, hỗ trợ người đứng đầu DN trong tỉnh thay đổi quy trình sản xuất, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, đầu tư cho CĐS vì mục tiêu phát triển bền vững, sáng tạo ra các mô hình sản xuất mới, hiệu quả hơn và từng bước chuyển dịch sang phương thức sản xuất mới, chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số... Bố trí nguồn lực để đầu tư hạ tầng và hỗ trợ DN thúc đẩy CĐS theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
CĐS tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt
Năm 2022, BR-VT tiếp tục đẩy mạnh CĐS, trong đó có việc “thanh toán không dùng tiền mặt”, tăng tỉ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử lên 90%. Đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện CĐS và hình thành mô hình đô thị thông minh; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân… Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan tập trung 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy CĐS tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Mở rộng việc trả lương, thu nhập qua tài khoản ngân hàng, đẩy mạnh thanh quyết toán các dịch vụ công bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích, vận động các siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm, các cửa hàng bán lẻ… sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo, theo dõi, giám sát các cơ sở giáo dục, đào tạo, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ bưu chính, viễn thông chập nhận thanh toán không dùng tiền mặt; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… không thanh toán bằng tiền mặt, nhất là việc trả các loại phí, lệ phí dịch vụ công và các dịch vụ thiết yếu khác.
|
Bài, ảnh: QUANG VŨ